Điều đặc biệt là, bản đồ trực tuyến này chỉ rõ vị trí, thời gian đứng của từng đội cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động và cả dân phòng. Thậm chí, tấm bản đồ còn chỉ rõ những lỗi vi phạm mà cảnh sát giao thông khu vực đó mà người tham gia giao thông thường mắc phải và bị xử lý. Nhiều bạn trẻ tỏ ra rất hứng thú với tấm bản đồ trực tuyến này và tham gia cung cấp thêm thông tin để xây dựng bản đồ “ngày càng hoàn thiện”.
Lá bùa “bắt thóp” công an?
Được biết, tấm bản đồ online này được xây dựng từ ngày 22/5/2011, do tác giả Carl05@VoZer trên diễn đàn chiplove.biz sáng tạo ra dưới dạng google map (bản đồ tìm kiếm trên google). Thành viên này chú thích: “Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng có những lần bị “cái chết bất ngờ” khi tham gia giao thông. Đó là những vị trí mà các “áo vàng Thần thánh” hay các “Dùi cui Công lý” (ám chỉ lực lượng công an giao thông – PV) đứng trực bắt các phương tiện tham gia giao thông mà không ai ngờ tới.
Vậy mình mạo muội lập bản đồ này để anh em cùng nhau đưa ra những kinh nghiệm đi đường cho những vị trí kiểu như trên và những lỗi hay mắc phải ở một số vị trí giao thông nhằm đề cao cảnh giác”.
Theo tác giả Vozer, thì bản đồ này không giới hạn vùng miền, ngoài Hà Nội có thể mở rộng ra các tỉnh lân cận và các tuyến quốc lộ khác. Bản đồ được xây dựng chi tiết đến từng góc phố, nẻo đường, ngã tư, lùm cây, cột điện. Người xem chỉ cần một động tác click chuột là có thể xác định chính xác vị trí của cảnh sát giao thông, thậm chí “bắt thóp” giờ giấc hoạt động, các lỗi xử phạt của các lực lượng chức năng. Bản đồ còn kèm theo phần chú thích, cụ thể Icon (biểu tượng) màu vàng là Cảnh sát giao thông (CSGT); màu xanh lá cây là Cảnh sát mặc áo xanh; màu tím là Cảnh sát cơ động (CSCĐ); màu đỏ là tổ hợp các lực lượng; màu xanh lơ nhạt là Dân phòng.
Trên bản đồ, chỉ cần ấn vào Icon sẽ hiện ra toàn bộ lịch trình hoạt động của các đơn vị. Chúng tôi xin được trích dẫn một đoạn như sau: “Cảnh sát giao thông: thời gian từ 8h sáng – 8h tối, bắt các lỗi xi nhan, vượt đèn, mũ bảo hiểm. Cảnh sát cơ động: thời gian xẩm tối (17h – 21h), bắt các lỗi mũ bảo hiểm, không gương (các trường hợp trông quê quê), thậm chí xi nhan, đèn pha. Thanh tra giao thông phối hợp cùng cảnh sát giao thông bắt các lỗi rẽ không xi nhan hoặc không đi đúng làn đường rẽ; không gương, mũ bảo hiểm (với các trường hợp trông quê và biển tỉnh lẻ)…”.
CSGT ngày càng vất vả xử phạt người vi phạm. Ảnh: internet
Bản đồ cũng xây dựng những “điểm nóng” thường xuyên có lực lượng công an giao thông túc trực. Kể cả những tuyến đường hai làn xe trở lên mới thông, những ngã 3, 4, 5 mới cắm biển báo mới. Ví dụ, trên bản đồ này đưa ra chỉ dẫn ở Ngã tư Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thúy: “Vị trí này theo chiều rẽ phải CSGT hay đứng sau bãi đỗ xe về phía Hoàng Đạo Thúy hay sau công trình xây dựng phía Lê Văn Lương. Lỗi hay bị bắt là rẽ phải khi có đèn đỏ (do không có đèn báo cho phép rẽ phải) và rẽ mà không bật đèn báo.
Đầu đường Phạm Ngọc Thạch, chỗ lối rẽ lên Hoàng Tích Trí rồi rẽ trái để ra hầm Kim Liên. Buổi tối vị trí này không có đèn rất tối, CSCĐ đứng ở đầu hầm và bắt các xe rẽ không bật đèn báo, không đội mũ nhưng rẽ qua đây để tránh chốt kiểm soát Phạm Ngọc Thạch – Xã Đàn, xe không gương ngã 4 giao cắt Huỳnh Thúc Kháng – Láng Hạ – Thái Hà. Ở góc phần tư phía Huỳnh Thúc Kháng giao với Láng Hạ để đi về Lê Văn Lương có 1 chốt, buổi tối ở đây không có đèn và lại có 1 xe của nhà hàng bánh ngọt cũng Màu Vàng ở đấy nên nhìn xa cộng mắt kém không phân biệt được. Lỗi hay bị bắt là vượt đèn đỏ”.
Công an giao thông gặp khó?
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ – Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: “Tôi cũng chưa biết thông tin gì về bản đồ này, nếu như cư dân mạng xây dựng được bản đồ như vậy tôi cũng thực sự bất ngờ”.
Công an giao thông cũng phải xây dựng bản đồ như vậy để kiểm soát hoạt động của các lực lượng. Nếu như dân mạng xây dựng được bản đồ như vậy có thể do một ai đó trong ngành công an cung cấp, hoặc để lọt thông tin cho họ chứ việc xây dựng thực sự không dễ dàng. Hoạt động của lực lượng công an giao thông chỉ thay đổi về mặt con người, phương tiện còn thời gian, vị trí thì hầu như ít thay đổi. Đội của chúng tôi hoạt động chủ yếu ở khu vực Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng. Mỗi đội phụ trách một công việc, Đội tuần tra thường xuyên di động còn các đội chốt sẽ cố định, chủ yếu tại khu vực đèn xanh đèn đỏ, những ngã giao cắt giữa các đường lớn”.
Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ cho rằng: “Nếu họ xây dựng bản đồ đúng trên vị trí như vậy thì cảnh sát giao thông sẽ gặp không ít khó khăn. Họ biết trước những điểm nào có công an giao thông cắm chốt và sẽ tìm cách lánh công an, hoặc chuẩn bị để vượt nhanh qua khu vực đó. Những ngã tư có chốt cảnh sát thì không sao nhưng đối với ngã tư không bố trí lực lượng kiểm tra thì người dân cố tình muốn lách luật sẽ tự do vi phạm”.
Trung tá Hoàng Văn Đạo, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông số 11, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: “Chúng tôi là đội tuần tra kiểm soát do đó quy trình hoạt động của chúng tôi là tuần lưu trên tuyến chứ không thành lập trạm cố định. Khi phát hiện vi phạm đội sẽ dừng xe để kiểm soát và xử lý. Tuy nhiên đôi lúc chúng tôi cũng túc trực tại một vài điểm chủ yếu là những điểm nóng hoặc điểm đen về tai nạn giao thông. Có thể đứng khoảng 30-40 phút rồi tiếp tục di chuyển.
Việc dân mạng xây dựng bản đồ phát hiện vị trí lực lượng công an giao thông có thể phù hợp với khu vực nội thành hơn vì tại khu vực này lực lượng phải đứng cắm chốt ở những ngã tư hoặc đoạn giao nhau để điều khiển giao thông. Việc đánh dấu vị trí của họ có thể chỉ dựa trên tính chất suy đoán vì các lực lượng hoạt động không theo quy luật”.
“Theo tôi việc xây dựng bản đồ trực tuyến như thế cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông của lực lượng công an. Có nhiều lực lượng thường xuyên thanh kiểm tra trên đường, trốn được lực lượng này nhưng chắc chắn không thể thoát khỏi những chốt khác, trừ trường hợp đi vào đường ngang ngõ tắt, trong xóm trong làng mới không có sự kiểm tra của các lực lượng. Việc trốn tránh có thể chỉ một hai lần chứ không thể mãi được, tốt nhất người dân nên nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông chứ không nên tìm cách đối phó với các lực lượng thanh kiểm tra”, Trung tá Đạo cũng cho biết thêm.
Theo anh Nguyễn Minh Đức – Giám đốc An ninh mạng Bkav thì công nghệ xây dựng bản đồ dưới dạng google map thực ra rất đơn giản, chỉ là công nghệ về web. Bản đồ này có thể tương đương như wikimap, do một người xây dựng lên và mọi người đều có thể truy cập vào điền thêm các thông tin. Người xây dựng chỉ cần đăng ký tài khoản là có thể truy cập bổ sung thông tin. “Theo tôi bản đồ này cũng sẽ không gây khó khăn cho các lực lượng công an giao thông bởi dù nắm được vị trí nhưng nếu họ vi phạm vẫn bị phát hiện và xử lý”, anh Đức cho biết thêm.
|
||||
Họ và Tên:* |
|
|||
Email:* | ||||
Tiêu đề :* |
|
|||
Ý kiến của bạn |
|
|||
|