Muôn nẻo trả thù tình

Nhưng hờn giận càng chất chồng, người trả thù tình đã tự đầu độc tâm hồn mình.

Ông ăn chả bà ăn nem

Yêu khi mới mười chín đôi mươi, Thùy tin tưởng tuyệt đối vào người đàn ông hơn mình tám tuổi. Lấy nhau, có hai mặt con, tình yêu Thùy dành cho chồng vẫn vẹn nguyên như thuở đầu: thần tượng, tôn thờ và tin đến mù quáng. Để rồi, cô ngã bệnh khi phát hiện chồng quan hệ ngoài luồng đã 5 năm và có con riêng. Vật vã, đau khổ tưởng có chết đi mới mong thoát khỏi hờn ghen; nhiều lần Thùy nghĩ đến việc hủy hoại thân mình, nhưng tiếng khóc của hai đứa con níu cô lại. Sáu tháng sau cơn bệnh, Thùy trở dậy, quyết tâm “phục thù”.

Thùy không căn vặn, khó chịu khi chồng vắng nhà qua đêm. Cô tỉnh bơ như không hề biết chồng tiếp tục gian díu với người đàn bà ấy. Vẫn chu đáo trong vai bà mẹ đảm, nhưng Thùy chăm chút hơn cho bản thân. Nỗi đau khiến ánh mắt Thùy trở nên hoang dại, vẻ đẹp liêu trai của cô càng thêm quyến rũ. Bỏ lại sau lưng người đàn bà hiền thục ngày nào chỉ biết thờ phụng chồng, Thùy “đầu mày cuối mắt” với những người đàn ông ngưỡng mộ sắc đẹp của cô. Trong những cơn say mụ mị, Thùy cho phép mình trở thành nữ hoàng của những kẻ si tình. Lúc dịu dàng, ngọt ngào; khi cuồng nhiệt, nổi loạn; cùng lúc Thùy cặp kè với nhiều “con thiêu thân”. Bọn họ biết điều đó và đua tranh để được là kẻ duy nhất chiếm hữu trái tim cô và Thùy hả hê khi thấy đàn ông đau khổ vì tình.

Oái oăm thay, để lại phía sau những lời hoa mỹ, những cung phụng yêu chiều của đàn ông, trở về chính mình, Thùy cô độc trong trống vắng; tâm hồn cô hoang hoải vì hờn ghen còn nguyên vẹn cùng nỗi khát khao dành cho chồng hình như càng cuồng đắm hơn. Điều Thùy không ngờ là khi nuôi dưỡng oán hờn, biến mình thành công cụ trả thù, cô đã đánh mất bản thân. Nỗi đau âm ỉ như vết thương nhiễm trùng, nếu không tự chữa trị sẽ hoại tử khiến người tìm kiếm sự trả thù nhận lãnh hậu quả nặng nề.

Cho đối phương thân tàn ma dại

Ném tờ giấy tòa gọi lên hòa giải vào mặt vợ, Dũng rít lên: “Cô giỏi nhỉ! Dám đơn phương ly dị chồng. Có ba đầu sáu tay thì bỏ thằng này xem sao”. Đạp Phụng chúi vào góc tủ, Dũng văng tục rồi bỏ đi. Anh ta không thể tưởng tượng vợ mình dám làm việc tày đình như vậy.

Lấy nhau mười mấy năm, Phụng như cái bóng của chồng. Cô là mẫu phụ nữ an phận thủ thường, xem chăm sóc gia đình là bổn phận; nuôi dạy con ngoan khỏe để chồng an tâm lo sự nghiệp. Dẫu cũng là cử nhân như ai, nhưng Phụng không đua chen tìm kiếm công danh; chồng con với cô là nhất. Mọi nghĩ suy, hành động của Phụng đều chịu ảnh hưởng của chồng; cô nhìn mọi việc, mọi người qua lăng kính của Dũng. Bạn bè Dũng tỏ ra ganh tỵ khi anh ta có người vợ luôn phục tùng chồng. Bạn bè Phụng lại chép miệng: “Sao nó cam chịu cảnh chồng chúa vợ tôi như thế!”.

Thấy vợ hiền lành, nhẫn nhịn, Dũng lại càng được nước xem Phụng như tôi đòi. Anh ta luôn đòi hỏi và ra lệnh cho vợ phục tùng mệnh lệnh của mình. Những ẩn ức tích tụ trong lòng, Phụng chỉ biết nức nở khi hai con đã ngủ, khi chồng còn mải mê chè chén nơi đâu. Rồi sự chịu đựng vỡ òa khi Dũng lăng nhục vợ trong đám giỗ bố. Hôm đó, Phụng một mình tất bật lo cỗ bàn tươm tất giỗ cha chồng; chạy lên chạy xuống thêm món cho bàn này, lấy bia cho bàn kia nên không nghe chồng gọi. Giật tay vợ, Dũng lè nhè: “Ai làm ra tiền cho cô xài? Không có thằng này hỏi thử cô có được như hôm nay? Cô chỉ là con đàn bà ăn hại, sống bám vào chồng, không có tôi thì cô chết, hiểu chưa!”.

Phụng trình bày với tòa rằng cô không còn sức chịu đựng người chồng ích kỷ, độc đoán, chỉ biết sống cho bản thân; cô muốn thoát cảnh con ở không công cho chồng. Dũng gầm lên khi mẹ vợ khuyên anh ta sửa tính đổi nết: “Tôi sẽ làm cho cô ta thân tàn ma dại”. Dũng nói với hai đứa con, mẹ chúng là thứ đàn bà lăng loàn trắc nết, theo trai. Anh ta rêu rao với mọi người rằng, Phụng là kẻ phản bội, vô ơn.

Trong thời gian chờ tòa xử ly hôn, ngày nào Dũng cũng kiếm chuyện chửi bới, lăng nhục Phụng. Đi nhậu về khuya, anh ta đá thúng đụng nia, đập phá đồ đạc, gào thét chửi bới như con thú bị thương khiến Phụng và hai đứa con không ngủ được. Dũng quyết tâm làm cô phát điên vì bị tra tấn tinh thần. Dũng còn gửi email đến cơ quan Phụng xúc xiểm, chê bai năng lực của cô nhằm hạ uy tín vợ. Phụng càng nín nhịn, Dũng càng cay cú, anh ta trở thành kẻ hoang tưởng khi dần dà tin vào chính những điều mình bịa đặt về vợ.

U uất, căm giận, cô đơn, trầm cảm là tâm lý thường gặp ở những người đàn ông sau ly hôn, đặc biệt là người quen xem mình chỉ “thắng” chứ không “bại”. Với họ, ly hôn là một thất bại, họ không thể làm chủ cảm xúc cũng như cuộc sống mới. Càng tìm cách trả thù người cũ, họ càng sa vào tâm trạng phẫn uất để rồi lại tiếp tục tìm cách khiến kẻ kia “thân tàn ma dại” mới nguôi nỗi hờn. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ tiếp diễn và kết cục là họ không bao giờ có cuộc sống bình yên.

Sống tốt hơn để “trả thù”

Đó là suy nghĩ “thẩm thấu” mạnh mẽ vào tâm tưởng Phụng, biến nó thành hành động cụ thể. “Không có anh, tôi sẽ sống tốt hơn”, Phụng tâm niệm như thế khi quyết tâm cho chồng cũ biết mình là người thế nào. Ngoài công việc ở cơ quan, Phụng đi bán thêm bảo hiểm, viết bài cộng tác với các báo, làm cả PR ngoài giờ cho một công ty. Quần quật vắt xác, đêm nào cũng vậy, sau khi hai đứa con đã ngủ, Phụng lại ngồi vào máy tính viết bài, lên kế hoạch tổ chức PR, sự kiện cho khách hàng đến hai – ba giờ sáng. Vừa chăm sóc hai con, vừa lo kiếm tiền, chỉ sau bốn năm Phụng đã mua sắm lại đầy đủ tiện nghi cho gia đình, bởi khi ly hôn cô không mang theo bất cứ thứ gì. Hai đứa con năm nào cũng là học sinh giỏi. Con trai đầu vừa đậu vào trường đại học, Phụng không nhận việc làm thêm nữa, vị trí trưởng phòng choán hết thời gian của cô, đồng thời cũng mang đến nguồn thu nhập đảm bảo cho ba mẹ con cuộc sống sung túc.

Sáu năm sau ly hôn, khi Dũng vẫn lồng lộn ghen tức thấy vợ cũ không có mình mà “chưa chết”, thì Phụng ngày càng xinh đẹp, tự tin, vững vàng trong cuộc sống. Dù rất bức bối, nhưng Phụng thấy thương hại chồng cũ chứ không oán giận khi anh ta tiếp tục tìm mọi cách tra tấn tinh thần mẹ con cô.

Phụng tâm sự: “Nếu cứ gặm nhấm nỗi đau thì chẳng khác nào ta tự tay chà xát vết thương, không cho nó lên da non và lành lặn. Cách hay nhất để “trả thù” sau những đổ vỡ ly hôn là tạo dựng cuộc sống mới tốt hơn, khẳng định bản thân, trở nên mạnh mẽ nhưng không đánh mất mình. Tôi tự hào vì đã đứng vững, chăm sóc con cái, nhưng cũng sống cho mình, tự tin, kiêu hãnh và biết yêu thương”.

Nguồn : Phụ nữ
THAM GIA Ý KIẾN VỀ BÀI VIẾT TRÊN  
  Họ và Tên:*

  Email:*
  Tiêu đề :*

  Ý kiến của bạn