Không gì là mãi mãi là những dòng nhật ký của người mẹ, xen lẫn với những dòng tự sự của người cha. Vincent và Geneviève đã mất đi cô con gái Clara của mình. Trong một vụ bắt cóc? Một vụ giết người hàng loạt? Hay một tội ác nào đó… không ai biết! Chỉ biết cô con gái 8 tuổi đã không bao giờ trở về nữa. Sự ra đi của cô bé đã để lại những khoảng trống quá lớn trong lòng những người làm cha, làm mẹ. Khoảng trống ấy dường như đã ăn mòn cả linh hồn của người cha – Vincent và vắt kiệt sức lực của người mẹ – Geneviève. Nỗi đau đớn không thể nào bù đắp đã đưa họ đến một quyết định đầy bất ngờ: chia tay nhau. Geneviève chuyển tới vùng nông thôn còn Vincent cũng dọn tới nơi ở mới, bắt đầu mối quan hệ với những người phụ nữ khác.
Những tưởng như thế là chấm dứt, những tưởng tình yêu, tình nghĩa vợ chồng sau bao nhiêu năm gắn bó đã không còn. Nhưng khi Geneviève bất ngờ đi đến chặng cuối của cuộc đời, nhanh hơn những người khác, Vicent lại xuất hiện. 15 năm, mọi cảm xúc vỡ òa. 15 năm, họ nhận ra rằng tình yêu chưa bao giờ nguội lạnh. Cho dù vật đổi sao dời, cho dù còn hiện hữu trên cõi đời bằng thể xác hay linh hồn, thì trái tim hai người vẫn luôn hướng về nhau.
Không gì là mãi mãi được viết một cách giản đơn nhưng lại sâu sắc đến không ngờ. Sử dụng thủ pháp đồng hiện, Laurence Tardieu đã đặt những ghi chép của người mẹ – ở thì quá khứ bên cạnh những tâm sự của người bố – ở thì hiện tại. Bằng cách đó, nhà văn đã làm nổi bật lên sự khác nhau của cảm xúc, tâm trạng cũng như sự tác động của cùng một nỗi đau lên hai cá thể.
Câu chuyện không đặt ra nhiều tình huống, ngược lại, nó là sự dàn trải của cảm xúc, là sự mổ xẻ đến tận cùng nội tâm con người – những người làm cha, làm mẹ trong nỗi đau mất con. Nhưng ngay cả cái kết cấu dàn trải ấy cũng không gây nhàm chán. Bởi, bằng một cách nào đó, dường như cái nỗi đau ấy là rất thật. Người đọc cảm nhận được nó như thấm vào da, vào thịt qua từng trang viết. Nỗi đau khiến họ phải rơi nước mắt.
Không gì là mãi mãi! Con người có ngày sinh ra rồi cũng sẽ đến lúc mất đi. Bữa tiệc nào rồi cũng có lúc tàn. Phải chăng đó là ý nghĩa của câu chuyện? Hay bên trong nó còn có một thông điệp nào gửi đến người đọc? Đằng sau sự không vĩnh cửu của cuộc sống là thái độ sống. Đằng sau cái chết là một sự sống mới được nảy mầm. Đằng sau ô cửa sổ nhỏ hẹp là một thế giới khác, cứ trải dài ra bất tận…
Chính bởi không gì là mãi mãi cho nên cần phải trân trọng biết bao mỗi giờ, mỗi phút còn tồn tại trên đời. Chính bởi không gì là mãi mãi cho nên mỗi người chúng ta đều phải học cách chấp nhận khi một người thân yêu nào đó ra đi. Nỗi đau có thể lớn, sự mất mát có thể không gì bù đắp nổi, nhưng con người vẫn phải làm tròn bổn phận của mình trên cõi đời: Sống! Sống không chỉ cho bản thân mình, mà còn cho những người còn lại, sống thay cả phần những người đã khuất.
Đặc biệt, với Không gì là mãi mãi, Laurence Tardieu đã diễn tả rất thành công yếu tố “thời khắc”. Ấy là thời khắc khi một con người sắp rời bỏ nhân gian. Khi thời gian không còn tính bằng tháng, bằng ngày mà bằng giây, bằng phút. Cái cảm giác ấy, cũng giống như khi mất đi một người thân yêu nào đó, thật khó để chấp nhận, thật khó để mà không sợ hãi. Thế nhưng cái thời khắc ấy, ai rồi cũng sẽ phải trải qua trong đời. Và cho dù chỉ còn một giây, một phút, con người cũng phải sống cho trọn vẹn: “Tuy nhiên, vẫn phải sống trọn từng thời khắc. Sống hết thời khắc này, rồi thời khắc tiếp theo, rồi thời khắc sau đó. Không buông tay, đừng buông tay… Và bỗng nhiên, nhắm mắt xuôi tay”.
Đọc Không gì là mãi mãi, đôi khi tôi thấy mình trở về với một niềm băn khoăn đã từ lâu lắm: Có hay không một thế giới của những linh hồn, của những người thân yêu đã rời bỏ ta nay đứng ở một nơi nào đó, rất xa, dõi theo ta bằng một thứ phép màu diệu kỳ nào đó? Bây giờ, tôi đã tìm thấy câu trả lời: Thế giới ấy chẳng phải ở đâu xa, nó luôn tồn tại trong trái tim của những người đang sống.
|
||||
Họ và Tên:* |
|
|||
Email:* | ||||
Tiêu đề :* |
|
|||
Ý kiến của bạn |
|
|||
|