Một số giải pháp đã được Thống đốc đưa ra và sớm triển khai trong thời gian tới. Tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn kiểm soát dưới 20%. Tuy nhiên, trong điều kiện thanh khoản tiền đồng ở một số ngân hàng đang dư thừa và một số nơi khác thiếu, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét tạm thời chưa áp dụng quy định về tỷ lệ sử dụng vốn tại Thông tư số 13/2010 và Thông tư 19/2010. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ tạo sự luân chuyển và điều hòa vốn giữa thị trường I và thị trường II, giữa ngân hàng thừa và ngân hàng thiếu vốn, giúp các ngân hàng thiếu vốn có điều kiện tăng trưởng tín dụng trong giới hạn 20% và hạ được lãi suất cho vay.
Liên quan tới việc điều hành cung ứng tiền, từ nay tới cuối năm, tùy theo diễn biến thị trường, đặc biệt là tình hình cung cầu ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt qua các kênh, đảm bảo hài hòa về mức tăng và lượng cung ứng tiền qua các tháng, đảm bảo mục tiêu chính sách tiền tệ.
Về lãi suất, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ ổn định mức trần lãi suất huy động vốn bằng VND 14% một năm để tạo điều kiện cho các ngân hàng đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17-19% đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường.
Trần lãi suất bằng ngoại tệ áp dụng với khách hàng là tổ chức và dân cư cũng được giữ nguyên, nhằm góp phần thực hiện chủ trương chống đôla hóa của Chính phủ. Tuy nhiên Thống đốc lưu ý các ngân hàng quan tâm điều hành, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ nhằm hạn chế rủi ro cho hoạt động của mình và góp phần ổn định thị trường ngoại hối.
Để góp phần kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa đổi cơ chế cho vay bằng ngoại tệ theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ vay; tăng tỷ lệ và mở rộng phạm vi áp dụng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng.
Từ nay tới cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cam kết điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, để tỷ giá biến động tối đa 1%. Định hướng này được dựa trên cơ sở diễn biến cán cân thanh toán quốc tế có khả năng thặng dư từ 2,5-4,5 tỷ USD và dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua.
“Trong mọi tình huống, Ngân hàng Nhà nước đủ sức để can thiệp bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Về điều hành thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành theo mục tiêu bỉnh ổn giá vàng trong nước diễn biến phù hợp với giá vàng quốc tế, chống đầu cơ, làm giá. Cơ quan này sẽ xây dựng và trình Chính phủ phương án bình ổn giá vàng trong ngắn hạn và phương án Ngân hàng Nhà nước huy động vàng trong nền kinh tế để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người dân nắm giữ vàng cũng như tăng cường sự quản lý của Nhà nước.
Công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng cũng được lưu ý. Trước mắt sẽ tập trung thanh tra các ngân hàng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao, xử lý nghiêm và kịp thời đối với những sai phạm. Các ngân hàng phải tự giám sát việc thực hiện trần lãi suất huy động vốn, trường hợp phát hiện vi phạm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ thường xuyên duy trì cơ chế đối thoại chính sách giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại, đặc biệt là với 12 ngân hàng hàng đầu của Việt Nam (chiếm gần 80% thị phần hoạt động ngân hàng). Cuộc họp này sẽ duy trì hằng quý, trừ trường hợp đột xuất, để cập nhật và thảo luận những vấn đề thời sự trong kỳ của ngành. Trên cơ sở đó, các ngân hàng sẽ được tham gia rộng rãi hơn vào quá trình xây dựng chính sách.
|
||||
Họ và Tên:* |
|
|||
Email:* | ||||
Tiêu đề :* |
|
|||
Ý kiến của bạn |
|
|||
|