Nhân viên của trung tâm điện máy Topcare (Láng Hạ, Hà Nội) cung cấp số lượng người mua khá lớn. Chị kể lại, có những hôm khách đến hỏi mua một lúc hơn chục hộp cơm loại cắm điện để hâm nóng thức ăn, họ mua hộ cho cả bạn bè luôn vì loại hộp này đang rất thịnh hành.
Còn bác Suốt, kinh doanh mặt hàng điện máy trên phố Khâm Thiên chia sẻ bác mới nhập bán sản phẩm này chừng hơn một tháng. “Trước, tôi cũng không để ý nhưng nhiều khách đến hỏi có bán hộp cơm trưa không nên cũng tìm hiểu để nhập về bán. Không ngờ, bán rất được. Mỗi tuần tôi nhập hơn 50 chiếc đủ loại mà tuần nào cũng hết, phải đi nhập thêm”, bác Suốt bộc bạch.
Giải thích về cơn “sốt” mang cơm trưa từ nhà đi ăn ở cơ quan, chị Quỳnh cho biết, bây giờ ra tiệm ăn trưa 50.000 đồng cũng chẳng ngon và đủ no, mà còn chưa biết có đảm bảo vệ sinh hay không nên mọi người ở công ty chị rủ nhau mang cơm hộp đi.
“Trước, trưa đến cứ phải ra ngoài ăn, hôm mưa, hôm nắng rất ngại. Mang thế này, mọi người rải ra ăn chung, ngồi văn phòng vừa sạch sẽ, mát mẻ lại phù hợp với khẩu vị và kinh tế hơn nhiều. Cơm và thức ăn ở nhà mang đi nhiều lắm là 25.000 đồng, rẻ được một nửa với cơm tiệm”, chị Quỳnh tính.
Còn với những người ăn kiêng đặc biệt như chị Liên (làm việc tại trung tâm dịch tễ) thì mang cơm hộp càng là sự lựa chọn số một. Do bị bệnh tiểu đường và máu nhiễm mỡ nên với chị thường mang đồ ăn theo chế độ dinh dưỡng được các bác sĩ tư vấn.
Theo khảo sát của PV, các loại hộp cơm trưa hiện nay được bày bán phổ biến tại hầu hết các siêu thị, trung tâm, cửa hàng điện máy, đồ gia dụng hay thậm chí là các chợ. Loại Lock&Lock với chất liệu nhựa, khóa 4 cạnh có giá từ 51.000-99.000 đồng tùy số lượng ngăn. Loại chia thành các tô rời bằng thủy tinh, sử dụng được với lò vi sóng, sản xuất trong nước có giá từ 57.600-75.000 đồng mỗi tô tùy theo dung tích 320-520 ml…
Các sản phẩm nhập từ Trung Quốc có giá rẻ hơn. Cặp lồng từ một đến 3 tầng bằng phíp, giá chỉ 31.000-69.000 đồng, còn tô với chất liệu thủy tinh cũng chỉ 94.000-150.000 đồng mỗi bộ 3 chiếc. Song, các sản phẩm trên đều không có khả năng giữ nhiệt lâu. Nếu muốn giữ ấm thức ăn, người tiêu dùng có thể mua thêm túi giữ nhiệt với 55.000 đồng mỗi chiếc để đựng các hộp thực phẩm.
Cao cấp hơn là dòng sản phẩm có khả năng tự giữ nóng hay hâm nóng được thức ăn, có túi kèm theo, rất tiện lợi và hợp thời trang. Giá của dòng sản phẩm này khá đắt và hầu hết đều bằng chất liệu nhựa. Loại hộp Komasu 2 ngăn có chế độ cắm điện từ 30-60 phút để làm nóng thức ăn, giá 380.000-460.000 đồng tùy kích thước. Loại Trino có khả năng giữ ấm thực phẩm 6 tiếng, giá 300.000 đến 400.000 đồng. Dòng sản phẩm Tiger của Nhật có giá đắt nhất, trên 700.000 đồng hộp 3 tầng.
“Người tiêu dùng cần cân nhắc vào mục đích sử dụng cũng như khả năng tài chính của mình mà chọn loại cho phù hợp”, cô Hòa, một đầu mối cung cấp hộp cơm văn phòng tư vấn.
Theo cô, với những người có thói quen hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng thì nên chọn chất liệu thủy tinh dày. Còn với những nơi hay xảy ra mất điện thì nên chọn loại có khả năng tự giữ ấm thực phẩm mà không cần cắm điện hâm nóng. Khi dùng hộp cơm có chức năng hâm nóng thức ăn thì không được quên mở nắp thông hơi khi cắm điện, nếu không sẽ làm méo và hỏng sản phẩm.
“Dù với loại sản phẩm nào thì sau khi sử dụng cũng cần rửa sạch sẽ, để khô ráo rồi mới cho thức ăn vào tiếp. Nếu không sẽ rất dễ bị bám mùi hay nẫm mốc, gây độc hại cho sức khỏe của người sử dụng”, cô Hòa mách nước.
|
||||
Họ và Tên:* |
|
|||
Email:* | ||||
Tiêu đề :* |
|
|||
Ý kiến của bạn |
|
|||
|