“Chuông báo cháy” với công ty chứng khoán chuẩn bị reo

Hôm nay (31/3), Công ty Cổ phần Chứng khoán Vincom (VIX) thông báo Công ty Cổ phần Vincom (VIC) đã thoái hết vốn. Cùng với đó hàng loạt công ty chứng khoán khác báo lỗ trong năm 2010 càng chứng tỏ sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường dịch vụ này.

Theo thông báo của VIX, toàn bộ 22,5 triệu cổ phiếu VIX đã được VIC “cắt lỗ” từ đầu tháng 3 đến nay. Giao dịch gần nhất là bán nốt 3,01 triệu cổ phiếu trong ngày 30/3 vừa qua.

Bức tranh lợi nhuận năm 2010 của các công ty chứng khoán đã sáng tỏ với đa phần là màu tối. Nhiều công ty kéo dài số năm lỗ và không hiểu liệu tình hình có trụ được bao lâu nếu thị trường không khởi sắc hơn.

Kỷ lục phải kể đến Công ty Chứng khoán Tầm Nhìn (HRS), đến 2010 đã lỗ liên tiếp 4 năm. Tổng số lỗ đến nay là hơn 36 tỷ đồng trên tổng vốn 45 tỷ đồng. Không ít công ty khác lỗ liền 3 năm như Chứng khoán An Nam, Chứng khoán Thành Công, Chứng khoán Navibank, Chứng khoán Miền Nam, Chứng khoán Vina…

Danh sách này có lẽ sẽ còn chưa dừng vì nhiều báo cáo còn chưa thống kê hết. Trên sàn, những công ty chứng khoán kỳ cựu như Bảo Việt, Kim Long cũng vừa vào danh sách cảnh báo vì thua lỗ liên tiếp 2 năm.

Đa số công ty chứng khoán lỗ nặng nhiều năm hiện có số vốn chủ sở hữu rất thấp và phải tính đường tăng vốn để cầm cự. Bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là một hướng đi, nhưng chắc chắn không phải công ty nào cũng tìm được “cửa” vì số lượng 105 công ty là quá nhiều đối với một thị trường nhỏ như Việt Nam. Không chỉ có VIC, nhiều tổ chức sáng lập khác cũng phải âm thầm “cắt lỗ” khoản đầu tư vì lỡ “đua” theo phong trào thành lập công ty chứng khoán thời kỳ 2007 – 2008.

Chia sẻ về sự lựa chọn hướng đi mới, đại diện Công ty Chứng khoán Kim Long từng thổ lộ cơ hội đầu tư lướt sóng đang ngày càng cạn kiệt, môi giới càng đông càng kém hiệu quả vì lợi nhuận thu được không “bõ” chi phí bỏ ra và rủi ro phải gánh chịu. Đó là chưa kể đến các thủ thuật lách luật để cung cấp dịch vụ chiều lòng khách hàng bị giám sát chặt chẽ, cơ hội cũng giảm đi khi chính sách tiền tệ thắt chặt.

Theo giám đốc một công ty chứng khoán lớn ở Hà Nội, nhiều công ty vẫn đang cố cầm cự với hi vọng thị trường khởi sắc sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn, nhất là cơ hội bán cổ phần cho đối tác nước ngoài khi cam kết mở cửa hoàn toàn trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán theo cam kết. Tuy nhiên, không rõ với những công ty quá nhỏ, mạng lưới hẹp, công nghệ kém thì các đối tác có sẵn sàng trả giá tốt cho “giấy phép” hay không?

Với việc Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính bắt đầu có hiệu lực từ 1/4/2011, những điểm yếu của các công ty chứng khoán sẽ lộ ra càng nhiều.

Tỷ lệ vốn khả dụng – tỷ lệ phần trăm giữa giá trị vốn khả dụng và tổng giá trị rủi ro – sẽ là “chuông báo cháy” đối với các công ty chứng khoán. Tỷ lệ này dưới 180%, công ty sẽ phải báo cáo hai lần một tháng, dưới 150% sẽ phải báo cáo 1 tuần 1 lần và dưới 120% sẽ phải báo cáo hàng ngày.

Công ty chứng khoán sẽ bị đưa vào diện kiểm soát khi tỷ lệ vốn khả dụng dao động từ 120% đến 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục. Khi đó công ty sẽ phải có phương án khắc phục từ đơn giản nhất đến khắc nghiệt nhất. Cụ thể, công ty có thể phải bán bớt tài sản có độ rủi ro cao, cắt giảm chi phí hoạt động, cắt giảm nhân sự, đóng cửa chi nhánh, rút bớt nghiệp vụ, dừng trả cổ tức, không được tăng vốn, thậm chí là sáp nhập với công ty khác.

Đặc biệt, nếu tỷ lệ vốn khả dụng xuống dưới 120% hoặc công ty chứng khoán không khắc phục được bằng những biện pháp trên, công ty sẽ rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Nếu quá 6 tháng công ty vẫn không khắc phục được và có lỗ gộp vượt tối thiểu 50% vốn điều lệ thì sẽ bị đình chỉ hoạt động. Khi đã rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, các hoạt động của công ty sẽ bị giám sát chặt chẽ với hàng loạt hoạt động bị cấm.

Theo quy định của Thông tư 226, kể từ ngày mai (1/4), các công ty chứng khoán sẽ có 12 tháng để chuẩn bị trước khi chính thức bị điều chỉnh theo các quy định về kiểm soát và kiểm soát đặc biệt. Đây là thời gian khá dài, nhưng cũng không phải quá rộng rãi để doanh nghiệp “tự xử”.

Nguồn : Vneconomy
THAM GIA Ý KIẾN VỀ BÀI VIẾT TRÊN  
  Họ và Tên:*

  Email:*
  Tiêu đề :*

  Ý kiến của bạn