Bài viết sẽ thử phân tích về nguyên nhân tại sao hiện tượng này vẫn còn tồn tại ở Hà Nội, sau khi đã trải qua hơn hai thập kỷ của nền kinh tế thị trường, nơi mà khách hàng thường được tung hô là thượng đế.
Hãy bắt đầu phân tích từ phía khách hàng Hà Nội, nơi kinh kỳ nghìn năm, nơi vẫn là trung tâm thu hút nhiều nhất chất xám, học giả, và có mặt bằng giáo dục cao nhất cả nước
Trước hết, người Hà Nội rất tự hào về khẩu vị tinh tế của họ, cũng như những món ăn nổi tiếng mang hồn Hà Nội. “Ăn Bắc, mặc Nam”, qua bao thế kỷ người Hà Nội đã chắt lọc những món ăn của mọi vùng quê, để đẩy nó lên một tầm cao mới, và ngược lại, họ cũng coi những món ăn ngon như một “nét Hà Nội” rất riêng của mình. Để đến hôm nay, kể cả những người Hà Nội gốc, hay những người nhập cư muốn trở thành “người Hà Nội” cũng muốn khẳng định bản thân một phần qua các món ăn. Và kết quả là, họ sẵn sàng bỏ qua những điều phiền toái khác?
Bên cạnh đó, việc trải qua một thời kỳ dài bao cấp, nơi những mậu dịch viên có quyền ban phát ân huệ đã tạo cho người Hà Nội một sự chấp nhận một cách vô thức và đáng tiếc về thân phận chiếu dưới của mình. Ngay cả trong cuộc sống thường nhật ngày hôm nay, khi họ phải đối mặt với nhiều cơ quan công quyền – những đơn vị mà thật đáng tiếc, các hành xử của họ chưa được thoát thai ra khỏi cơ chế “hành là chính”, đã một lần nữa làm người dân Hà Nội trở nên vô cảm với cách hành xử thiếu văn hóa. Và vì vậy, trong suy nghĩ của họ, cách hành xử của các ông bà chủ quán lại trở thành chuyện nhỏ?
Và cuối cùng, tâm lý “nó chửi cả làng Vũ Đại” đã tự ve vuốt tính sĩ diện vốn rất cao của mỗi người Hà Nội. Với họ, những ngôn từ chợ búa được tuôn ra từ miệng người bán hàng là dành cho một ai đó, một thứ gì đó, chứ đâu phải cho riêng họ. Tôi dám cá rằng, phần lớn trong số họ sẽ một đi không trở lại nếu một ngày nào đó họ trở thành đối tượng trực tiếp của những lời chửi mắng.
Còn đâu là nguyên nhân từ phía người bán hàng? Có thể khẳng định nguyên nhân đầu tiên là tâm lý tiểu nông, dễ dàng hài lòng với những gì mình có. Làm chủ một quán cơm ngon, một tiệm phở đông khách, và một khoản tiền lãi vừa đủ hằng ngày cũng đã làm họ hài lòng, và thậm chí còn đủ để họ cảm thấy có thể ngẩng mặt với đời. Tâm lý này, thật đáng tiếc không chỉ có ở những người buôn bán nhỏ, mà lại khá phổ biến với cả những doanh nghiệp gốc Bắc.
Đồng thời, không gian sống chật hẹp và chen chúc, cùng giá nhà và giá thuê mặt bằng cao chót vót cũng là một yếu tố để những người bán hàng rất khó mở rộng quy mô và làm cho họ thêm lý do để tự đặt mình lên cao hơn so với thượng đế của chính họ. Tôi đã sửng sốt khi được nghe chị hàng phở gần nhà ta thán (hay khoe khoang?): “Mình có nhà mặt đường hàng nghìn cây vàng, việc gì phải bán hàng kiếm vài đồng lẻ?!”
Với tâm lý tự thoả mãn và điều kiện mặt bằng như vậy, họ khó có thể mở rộng quy mô, và đâu cần thu hút thêm những khách hàng mới.
Một lý do khác, rất có thể những ông bà chủ quán này rất biết cách làm marketing, tạo dựng thương hiệu từ sự khác biệt (!). Họ đã cố gắng làm điều đó, kể cả chấp nhận phương thức đầy tai tiếng. Thậm chí, họ coi rằng đó còn là con đường để khẳng định vị thế của quán ăn của mình: “Hãy xem chất lượng của tôi OK đến cỡ nào? Tôi chửi thế mà vẫn đắt khách!”.
Một lý do cuối cùng, đó là tình trạng chung của mảng dịch vụ tại Hà Nội. Ai đó đã nói, người Hà Nội luôn sống có chiều sâu, nhưng ngược lại, họ khá bảo thủ, ít chấp nhận đổi mới hơn người Sài Gòn. Và kết quả là, mặt bằng trình độ dịch vụ ngày một tụt hậu so với thị trường sôi động phía Nam. Trong một mặt bằng chung như vậy, thì chuyện ‘bún mắng, cháo chửi’ đâu phải chuyện động trời?!
Tuy nhiên, hãy đừng lấy những hiện tượng cá biệt để quy kết chung cho cả thị trường Hà Nội. Mọi chuyện đã có khá nhiều thay đổi, đặc biệt với lớp người trẻ. Tháng trước, khi cùng bạn bè đi ăn tại một cửa hàng mới khai trương, trong lúc mọi người rôm rả bình luận về món ăn, tôi lại đặc biệt chú ý đến người bảo vệ kiêm trong xe của quán. Khuôn mặt rất sáng sủa với cặp kính cận, anh ta trông có dáng thư sinh hơn là người lao động. Và tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy anh ta tiếp chuyện rất thoải mái với các vị khách nước ngoài bằng một giọng tiếng Anh rất chuẩn. Không nén nổi tò mò, tôi ra bắt chuyện và vỡ lẽ: anh ta là CEO của chuỗi cửa hàng. “Tôi dắt xe cho khách, chỉ để nghe ý kiến của họ về sản phẩm của chúng tôi một cách thật nhất, khi họ vừa ăn xong và trả tiền cho phần ăn của mình”, vừa lau mồ hôi, anh ta vừa giải thích.
Tôi tin rằng bên cạnh những chủ quán còn mạt sát khách hàng, lấy ngôn từ chợ búa làm thương hiệu, thì đã và sẽ có một lớp doanh nhân mới sẵn sàng làm những công việc vất vả nhất chỉ để nghe phản hồi của khách hàng. Xu hướng này, dù ít hay nhiều cũng đã được định hình ở Hà Nội.
Và tôi cũng tin rằng, những quán “bún mắng, cháo chửi” chỉ là một số ít, rất ít trong hơn 45.000 quán ăn đang hằng ngày phục vụ trong nội thành Hà Nội. Cũng như, những thực khách sẵn sàng nghe chửi để có một tô bún, một suất cháo ngon cũng là con số vô cùng nhỏ trong hàng triệu người Hà Nội đi ăn uống bên ngoài mỗi ngày.
|
||||
Họ và Tên:* |
|
|||
Email:* | ||||
Tiêu đề :* |
|
|||
Ý kiến của bạn |
|
|||
|