Cách nào tránh bị đong điêu khi mua xăng?

Khi mua hàng theo số lít thì chắc chắn lượng xăng dầu sẽ đủ. Tuy nhiên, người Việt Nam có thói quen mua xăng chẵn tiền như 30.000, 50.000 đồng… nên đã vô tình tiếp tay người bán hàng gian lận xăng dầu.

45% cơ sở sai phạm trong đo lường và chất lượng

Theo báo cáo mới đây của Bộ KH&CN, qua công tác thanh kiểm tra hàng nghìn cơ sở kinh doanh xăng dầu trên cả nước, đã phát hiện và xử lý hàng trăm cơ sở vi phạm về đo lường và chất lượng (28% cơ sở được kiểm tra sai phạm về đo lường và 17% sai phạm về chất lượng).

Báo cáo của thanh tra sở KH&CN Kiên Giang mới đây cho thấy, tình trạng vi phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu đang ngày càng tinh vi và diễn ra khắp nơi. Tại địa phương này phát hiện hiện tượng sử dụng phần mềm vi tính để điều chỉnh cột đo nhiên liệu như: đóng mở cầu giao điện của cột đo nhiên liệu, bấm nút trên bàn phím…

Trong tháng 2, thanh tra sở KH&CN Quảng Ngãi đã tiến hành thanh tra tại 09 cơ sở kinh doanh xăng dầu với tổng số 117 phương tiện đo (78 áp kế và 39 cột bơm xăng dầu), giám định 17 phương tiện đo lường, trưng cầu giám định chất lượng 04 mẫu xăng dầu. Trong đó, có 2 cột bơm không đạt yêu cầu về đo lường, 7 cột bơm mất liêm phong chì. Thanh tra sở đã yêu cầu các đơn vị này phải thực hiện lại kiểm định đúng quy định và xin phép tháo niêm chì trước khi sửa chữa.

Còn tại Nam Định, cơ quan chức năng đã tiến hành cuộc thanh tra chuyên đề “đo lường và chất lượng xăng dầu” đối với 27 đơn vị kinh doanh xăng. Qua đó phát hiện 5/27 đơn vị (đều là những doanh nghiệp tư nhân) không chấp hành quy định pháp luật về đo lường đối với việc thực hiện phép đo trong thương mại bán lẻ.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, đó chỉ là những con số trên thống kê và mới phản ánh được phần nào thực trạng xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Không nên mua xăng chẵn tiền

Theo các kết quả thanh tra kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh thành phố trong cả nước, sai phạm tập trung vào hai hình thức là gian lận về đo lường và gian lận về chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, hình thức gian lận về đo lường thường xảy ra phổ biến hơn.

Theo ông Trần Văn Vinh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN), trước đây các hình thức gian lận điều chỉnh bầu đo, tháo kẹp chì (thay đổi đổi cơ học), bị các cơ quan chức năng đã phát hiện, hầu như hình thức này các cửa hàng không còn sử dụng. Nay các hình thức gian lận tinh vi, kín đáo hơn để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Thay vì thay thế con chíp điện tử mới trong gian lận xăng dầu thông thường, các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu móc túi khách hàng bằng cách tác động vào chíp điện tử của bộ điều khiển trong cột đo xăng dầu làm thay đổi tỷ số đếm, lập trình đúng, sai theo ý muốn, làm cơ quan kiểm định hoặc kiểm tra không thể xác định được sai phạm.

Bên cạnh đó, người bán hàng còn dùng hình thức cơ học như bơm nối giữa hai khách hàng, vô hình chung người mua sau phải thanh toán thêm tiền của người mua trước.

Một điều đáng lưu ý ngay chính “văn hóa mua hàng” của người Việt Nam đã vô tình tiếp tay người bán hàng gian lận xăng dầu. Bởi thông thường khi đi kiểm định các cột bơm xăng dầu, đơn vị kiểm định phải làm theo quy trình và kiểm định ở số lượng lít chẵn như: 2 lít, 5 lít, 10 lít, 20 lít, 50 lít… Tất cả các điểm đó, IC điều chỉnh, lập trình đúng.

Khi mua hàng theo số lít trên thì khả năng chắc chắn lượng xăng dầu sẽ đủ. Tuy nhiên, người Việt Nam có thói quen mua xăng chẵn tiền như 30.000, 50.000 đồng… lượng xăng dầu lúc đó không đúng với IC đã được điều chỉnh. Đây chính là điểm mà nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu có thể tận dụng để gian lận của khách hàng.

Nói về những giải pháp nhằm hạn chế tới mức thấp nhất hình thức gian lận trong kinh doanh xăng dầu, ông Vinh cho biết trong thời gian tới Tổng cục TCĐLCL sẽ siết chặt hơn việc bán lẻ xăng dầu. Sắp tới, cơ quan chức năng khi đi kiểm tra, kiểm định cần kiểm tra thêm ở những lượng lít lệch quy trình như 7, 8 hoặc 15 lít… nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo đó, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gian lận xăng dầu về đo lường, ngoài việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành các văn bản pháp quy chặt chẽ đối với việc quản lý phương tiện đo, phép đo, Tổng cục TCĐLCL còn hướng dẫn cụ thể một loạt các giải pháp ngăn ngừa hành vi gian lận đo lường cột đo xăng dầu như cột đo xăng khi kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường, kiểm định viên phải thực hiện việc niêm phong, kẹp chì ở các vị trí nhậy cảm để ngăn ngừa việc tự ý tháo lắp, chỉnh sửa, thay thế. Sau khi kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường cần lập biên bản hiện trạng của cột đo xăng dầu và ghi nhận những nội dung: đối với Encoder, đối với cơ cấu truyền động nối bầu lường với Encoder, đối với van điện hai cấp,… rõ từng nhãn hiệu, số chế tạo, mô tả hiện trạng…

Nguồn : VTC News
THAM GIA Ý KIẾN VỀ BÀI VIẾT TRÊN  
  Họ và Tên:*

  Email:*
  Tiêu đề :*

  Ý kiến của bạn