Tôi có một người bạn du học tại Anh kể một câu chuyện thế này: Trong lớp, có rất nhiều du học sinh đa quốc tịch, như Trung Quốc, Nhật Bản, một số quốc gia Bắc Phi và Ấn Độ… Cô giáo người Anh mở đầu bài học bằng câu hỏi: Theo bạn, người dân ở đâu thân thiện nhất? Rất nhiều ý kiến khác nhau. Bạn tôi là người Việt Nam duy nhất ở lớp học đó, và cô giáo cũng không hề biết trong lớp có học sinh người Việt. Cô kết thúc bằng câu trả lời của chính mình: “Tôi thì thấy rằng người Việt Nam thân thiện nhất thế giới”. Câu chuyện này được bạn tôi chia sẻ trên Facebook đã làm nức lòng nhiều du học sinh, nhân lên niềm vui, niềm tự hào của nhiều người. Chỉ là một câu nói thôi, nhưng cho ta niềm tin yêu vào người Việt, đất Việt và tính cách Việt.
Thế giới này tưởng là phẳng mà không phẳng. Đó là một thế giới rất phẳng trong giao lưu văn hóa, thông tin, trao đổi thị trường lao động, nhưng lại khu biệt văn hóa bản địa, đặc trưng riêng của từng quốc gia. Chính vì thế, giữa thế giới mênh mông này, ở đâu đó, trong hoàn cảnh nào đó, chỉ thoáng nghe nhắc đến những điều liên quan về Việt Nam, chúng ta đều thấy có chút bồi hồi. Rằng bằng cách này hay cách khác, những người Việt yêu nước từ khắp năm châu đang làm nên một Việt Nam thân thiện và thanh bình đối với bạn bè. Vì vậy, chúng ta có quyền tự hào.
Trong khi ở các nước, những tấm gương người Việt hay gốc Việt, những du học sinh Việt đang hết sức cố gắng để xây dựng một hình ảnh Việt Nam đẹp trong mắt nhiều người thì hình như giới trẻ trong nước ít chú ý đến. Mấy ngày nay ở bờ hồ Hoàn Kiếm có một nhóm bạn trẻ Hàn Quốc đi nhặt rác, để đem lại một môi trường thật xanh cho nơi vốn được coi là trái tim của Hà Nội. Trong lúc đó, nhiều bạn trẻ người Việt lại dành thời giờ cho những biểu hiện yêu thương thái quá ở… ghế đá ngay quanh đó.
Và nếu như người Việt khắp năm châu cứ đến dịp sinh hoạt tập thể hay lễ hội truyền thống, hay một cuộc liên hoan âm nhạc nào cũng tôn vinh tà áo dài thì có bạn trẻ trong nước lại chạy theo nhưng trang phục Cosplay rất Nhật hay những bộ trang phục quá gợi cảm thành phản cảm của nền văn hóa nào đó.
Tại những lễ trao giải thưởng lớn trong các lĩnh vực của văn hóa, nhìn mãi mới thấy một người nổi tiếng mặc chiếc áo dài nền nã. Còn có người mặc áo dài thì lại buộc vạt để cách tân thành… đuôi ngựa, số đông còn lại là sự đua nhau về trang phục gợi cảm và đồ hiệu.
Vẫn biết là long trọng, vẫn biết là quý phái, nhưng cũng nên có cái gì là nét quý phái riêng của người Việt chúng ta chứ! Cuộc thi Hoa Hậu thế giới mấy năm trước tổ chức ở Trung Quốc, người dẫn chương trình là một cô gái Trung Quốc nói tiếng Anh rất trôi chảy và không kém phần xinh đẹp trong chiếc áo sườn xám truyền thống. Đôi khi niềm tự hào dân tộc không phải là cái gì lớn lao quá, mà rất gần gũi, bình dị và thiết thực.
Tôi tự dưng thấy câu nói “xa thương gần thường” rất đúng trong những câu chuyện thế này. Có phải người nào xa quê hương, Tổ quốc mới thấy nhớ da diết những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc? Còn chúng ta gần quá nên chúng ta quên mất, thấy những nét đẹp bình dị, nhưng vô cùng sâu sắc của dân tộc cứ thường thường thôi? Càng gần càng biết trân trọng nâng niu mới phải. Đừng có xa thương gần thường mà làm cho niềm tự hào Việt bỗng thành xa lạ.
|
||||
Họ và Tên:* |
|
|||
Email:* | ||||
Tiêu đề :* |
|
|||
Ý kiến của bạn |
|
|||
|