Chứng khoán hưởng lợi khi USD hết “mốt”

Tiếp tục hạ nhiệt thị trường ngoại hối

Ngày 9/4, Ngân hàng nhà nước cuối cùng đã quyết định tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ thêm 2% và áp trần lãi suất huy động USD ở mức 3%. Đây là giải pháp kép cùng lúc nhằm hạ nhiệt tăng trưởng tín dụng ngoại tệ, nâng cao giá trị đồng nội tệ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội nhà đầu tư tài chính (Vafi), việc áp trần lãi suất huy động đối với USD của người dân sẽ không làm giảm dòng kiều hối về. Trước đây lãi suất huy động USD cao nhưng cũng không hẳn thu hút nhiều USD từ bên ngoài vì rào cản quan trọng nhất là khó chuyển ngược USD ra.

“Tôi đã tham khảo nhiều người, thậm chí nhiều chuyên gia tài chính, việc đem ngoại tệ vào gửi để ăn chênh lệch lãi suất là ít vì không dễ để chuyển ngược ra được. Chuyển “chui” thì rủi ro cao và không phải ai cũng thực hiện”, ông Hải nói.

Với việc áp trần lãi suất huy động USD ở mức 3%/năm, ông Hải nhận xét vẫn còn là cao: “Tôi cho rằng có thể hạ thấp hơn nữa. Ngay từ tháng 11 năm ngoái Vafi đã có kiến nghị áp đặt mức trần tiền gửi ngoại tệ ở mức không quá 1%/năm cho mọi đối tượng dân cư, tổ chức tại hệ thống tổ chức tín dụng. Lãi suất tiền gửi USD quá cao thời gian qua đã tạo chỗ trũng cho việc đầu tư, đầu cơ găm giữ USD từ khu vực dân cư và doanh nghiệp và từ đó làm căng thẳng nguồn cung ngoại tệ cho khu vực sản xuất kinh doanh”.

Theo một thống kê chọn mẫu của Vafi, lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cư trong hệ thống ngân hàng thương mại là rất lớn, chiếm khoảng 50% – 60% trong tổng số tiền gửi ngoại tệ. Việc áp trần lãi suất tiền gửi thấp sẽ khiến người gửi tiền sẽ có sự so sánh về mức lãi suất cộng với tỷ lệ lạm phát và thấy rằng gửi VND là có lợi hơn nhiều so với gửi ngoại tệ. Người gửi tiền sẽ không mua USD nữa mà lựa chọn gửi VND. Người đầu cơ sẽ không mua và không găm giữ USD nữa, sẽ bán nhanh USD để chuyển sang gửi VND, như vậy sẽ có sự dịch chuyển lớn từ USD sang VND và từ đó tỷ giá sẽ giảm. Hiệu ứng của chính sách là làm cho VND có giá trị hơn, từ đó có cơ sở để từng bước hạ lãi suất huy động VND và góp phần giảm lạm phát.

Chứng khoán có cơ hội

Tỷ giá ổn định, thị trường ngoại tệ hạ nhiệt là điều tốt cho các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán. Mặc dù những giải pháp đồng bộ vừa qua đã làm khá tốt nhiệm vụ bình ổn thị trường ngoại tệ khiến biến động của thị trường này không còn là tâm điểm quan tâm của giới đầu tư nữa, nhưng hiệu ứng của nó sẽ còn kéo dài. Trước mắt, tâm lý găm giữ USD sẽ giảm mạnh, thậm chí có sự dịch chuyển mạnh từ USD sang VND. Lãi suất thấp, người gửi tiền sẽ thấy có lợi hơn khi chọn VND.

Rõ ràng Ngân hàng nhà nước đang ở thế “thượng phong” trong việc hạ nhiệt tỷ giá. Xiết chặt quản lý thị trường tự do, tăng giá trị tiền đồng, tạo cung USD lớn hơn cầu. Đây là thời điểm tốt và phù hợp để cơ quan quản lý mạnh tay hơn, nhất là khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong quý 1/2011 vẫn cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng bằng VND: Số liệu của Ngân hàng nhà nước cho thấy tín dụng ngoại tệ tăng tới 12,06% trong khi tín dụng bằng VND chỉ tăng 1,43%.

Với việc gửi USD không có lợi, liệu người dân sẽ chuyển vốn đi đâu? Dĩ nhiên một bộ phận vẫn sẽ gửi USD như một hình thức dự trữ, nhưng tâm lý đầu cơ sẽ không còn. Quyết tâm “sắp xếp” lại thị trường vàng cũng sẽ hạn chế dòng vốn đầu cơ chạy vào đây. Lĩnh vực bất động sản và chứng khoán có thể sẽ là kênh đầu tư hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định này. Điều này cũng dễ hiểu vì cả bất động sản lẫn chứng khoán đang khá trầm lắng, là cơ hội để mua rẻ.

Riêng với thị trường chứng khoán, câu chuyện tỷ giá không còn là mối quan tâm chính nữa mà hướng sang vấn đề lạm phát và lãi suất. Tuy nhiên, hạ nhiệt được thị trường ngoại tệ cũng tạo cơ hội cho lãi suất tiền đồng giảm. Kiểm soát giá cả, điều hành linh hoạt cung tiền sẽ đem lại hiệu ứng tốt thời gian tới. Một điểm đáng chú ý là tăng trưởng tín dụng VND quý 1 rất thấp, đồng nghĩa với việc thắt chặt tiền tệ đang thực thi hiệu quả.

Nguồn : Vneconomy
THAM GIA Ý KIẾN VỀ BÀI VIẾT TRÊN  
  Họ và Tên:*

  Email:*
  Tiêu đề :*

  Ý kiến của bạn