Giảm lương, đi hay ở?

Điều kiện kinh tế khó khăn, các công ty đều muốn cắt giảm ngân sách đến mức tối đa, không may, bạn lại có mặt trong danh sách những người bị giảm lương.

Đừng vội tức giận với quyết định đó bởi nếu so với hàng loạt người đang đối diện với tình trạng thất nghiệp, bạn vẫn may mắn vì còn có việc làm.

Tuy nhiên, có vẻ như, cái lý đó không thể thuyết phục được những nhân viên đang trong diện giảm lương nếu như việc giảm quyền lợi không đi cùng với giảm thiểu trách nhiệm.

Michael Zwell – Tiến sĩ, GĐ điều hành trung tâm tư vấn Zwell International in Glenview ở Illinois cho rằng, thông thường, việc bị giảm lương khiến người ta có cảm giác mình mắc lỗi, tức là phạm sai lầm trong quá trình làm việc tại công ty. Họ không quen với việc bị giảm lương trong khi mọi việc vẫn suôn sẻ. “

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, bạn cần phải chấp nhận thực tế, có sự lựa chọn giữa việc giảm lương hay từ bỏ công việc hiện tại, tìm đến thị trường lao động với những cơ hội mới”.

Đồng tình với lời khuyên ấy, Brendan Courtney – Phó chủ tịch tập đoàn tuyển dụng The Mergis Group in Fort Lauderdale nói thêm: “Với tình hình kinh tế nhiều bất ổn, người lao động không nên có thành kiến tiêu cực với việc bị giảm lương. Đó là điều tất yếu trong thời gian tăng trưởng của nền kinh tế”.

Việc cắt giảm lương đôi khi buộc bạn phải lựa chọn, chuyển nghề hay tiếp tục. Sau đây là 5 trường hợp bạn nên cân nhắc trước khi đưa ra quyết định:

– Bạn cần có việc làm

Cuộc sống của bạn bây giờ đang phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập hiện tại, ít nhất là để trang trải những khoản chi tiêu, những hóa đơn tổi thiểu cho cuộc sống hằng ngày. Sự thay đổi công việc sẽ tạo nên một khoảng thời gian trống, bạn phải đối diện với tình trạng không đủ ngân sách để chi tiêu.

Hơn nữa, với tình hình hiện nay, thị trường việc làm không quá nhiều cơ hội mở. Vì thế, bạn hãy xác định xem, chấp nhận giảm một chút thu nhập có tốt hơn là phải lang thang tìm việc hàng tháng trời không.

– Chuyển sang công ty khác

Từ bỏ công việc hiện tại để sang một công ty mới hoạt động trong cùng lĩnh vực. Bạn nên biết rằng, sự thay đổi này có thể khiến bạn phải chấp nhận mức lương khởi điểm khiêm tốn để làm quen và học hỏi.

Chẳng hạn, khi bạn làm việc trong lĩnh vực kinh doanh phần mềm, bán phần mềm cho các công ty, cơ quan có nhu cầu. Nếu bây giờ chuyển sang lĩnh vực quản lý phần mềm, dù là cùng lĩnh vực nhưng lại có một số khác biệt và việc cần thời gian làm quen cũng là điều dễ hiểu.

Hơn nữa, công ty nào cũng có những khó khăn, bất cập riêng, đừng chỉ dựa vào bề nổi mà “đứng núi này trông núi nọ”. Một khi có ý định đổi công ty, bạn hãy dành thời gian tìm hiểu xem chế độ đãi ngộ ở công ty này có tốt hơn không đã.

– Đổi nghề

Một số người rơi vào hoàn cảnh này muốn chọn phương án từ bỏ công việc hiện tại, chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, chắc chắn, sự thiếu hụt về chuyên môn, kinh nghiệm không cho bạn cơ hội nhận được mức lương như ý.

Nếu chọn phương án này, bạn phải xác định chấp nhận giảm thu nhập một thời gian và bắt đầu xây dựng con đường sự nghiệp mới. Hãy nhớ, không có con đường nào là bằng phẳng cả dù nhìn bên ngoài, mọi thứ đều có vẻ dễ dàng.

Khi có ý định đổi nghề, bạn cần dành thời gian tham khảo, tìm hiểu sơ qua về lĩnh vực mình hướng tới. Đừng vì chút tự ái cá nhân khi bị giảm lương mà đệ ngay đơn xin nghỉ việc lên sếp. Bạn vẫn có thể vừa tiếp tục làm ở vị trí hiện tại để duy trì cuộc sống, vừa nghiên cứu lĩnh vực mới để có vốn hiểu biết nhất định trước khi muốn đổi nghề.

– Công việc mới cho bạn niềm vui

Đối với bạn, một công việc phù hợp, thực sự yêu thích còn quan trọng hơn vấn đề tiền bạc. Lúc đó, hãy cân nhắc xem việc tiếp tục gắn bó với công việc hiện tại có đem đến cho bạn niềm vui, sự say mê hay không. Nhiều người chọn cách ra đi bởi vì họ đã tìm thấy một công việc mới hứng thú hơn, dù có thể thu nhập thấp hơn hiện tại một chút.

– Tiếp tục công việc hiện tại

Buộc phải lựa chọn giữa việc giảm lương và mất việc làm, bạn chấp nhận tiếp tục công việc hiện tại nhưng yêu cầu phải có sự thay đổi khi tình hình kinh tế được cải thiện.

Theo Zwell, khi nền kinh tế phục hồi, bạn có thể nhận được mức lương cao hơn. Nhưng ngay trong lúc khó khăn này, bạn vẫn có thể ghi điểm bằng những bước đột phá đáng kể, chuẩn bị sẵn cho đà phát triển.

Một khi chấp nhận ở lại công ty với mức lương thấp hơn, sẽ có những vấn đề phát sinh mà bạn nên tính đến. Nếu vẫn phải làm khối lượng công việc như cũ, có thể bạn sẽ gặp khó khăn về vấn đề tư tưởng, cảm xúc cá nhân.

Bạn dễ rơi vào tâm trạng ấm ức, không thoải mái vì vẫn từng đó việc nhưng thu nhập lại không bằng trước. Bạn có thể thương lượng để giảm bớt một chút khối lượng công việc đang quản lý.

Zwell khuyến cáo, thay vì nghĩ rằng tiền lương là thước đo cho giá trị, năng lực của mình, hãy coi đó là những gì thị trường việc làm hiện tại sẵn sàng trả cho kỹ năng, kinh nghiệm bạn có được trong điều kiện hiện nay.

Trên thực tế, mức lương bị giảm sẽ trở thành một phần trong lịch sử tiền lương của bạn. Đặc biệt là khi bạn muốn đổi việc, nhà tuyển dụng mới có thể sẽ đưa ra câu hỏi về vấn đề mức lương trong quá khứ. Theo Courtney, lúc đó, bạn nên trung thực, không cần phải giấu diếm đã có lúc bị cắt giảm tiền lương.

Nguồn : Bưu điện Việt Nam
THAM GIA Ý KIẾN VỀ BÀI VIẾT TRÊN  
  Họ và Tên:*

  Email:*
  Tiêu đề :*

  Ý kiến của bạn