Nhận xét lạc quan của vị Bộ trưởng này có vẻ tương phản với những quan ngại mà cộng đồng doanh nghiệp nêu ra trong diễn đàn. Trong con mắt của giới kinh doanh, hai thành tích kinh tế nổi bật của Việt Nam trong năm 2010 là tăng trưởng và xuất khẩu đã bị lu mờ bởi lạm phát, lãi suất tăng cao, tiền đồng mất giá, và đặc biệt là niềm tin của thị trường. Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ Hank Tomlinson nói: “Cách tiếp cận của Chính phủ đối với chính sách kinh tế và tiền tệ đã gây ra các vấn đề về tín nhiệm và lòng tin… Những kỳ vọng về việc VND bị mất giá liên tục gần đây khiến người dân và doanh nghiệp không còn muốn giữ tiền đồng, khiến nó ngày càng trở nên mất giá trị với vai trò là tài sản lưu giữ”.
Những nhận xét thẳng thắn của giới doanh nghiệp thật đáng lưu tâm. Sau hơn 3 năm vật lộn với bất ổn vĩ mô, Việt Nam lại phải đối diện với lạm phát leo thang vào cuối năm 2010, khi các nền kinh tế ASEAN đã đi vào hồi phục với mức lạm phát trung bình chỉ từ 2-4%, theo ADB. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết thêm, Việt Nam luôn có tỷ lệ lạm phát cao hơn các nước láng giềng trong gần thập kỷ qua (khoảng 8,8% so với 2,7% của Thái Lan và 5,1% của Philippines). Tình hình đáng ngại đến mức Đại sứ Nhật Bản mới nhận nhiệm sở Yasuaki Tanizaki nói thẳng tại Hội nghị rằng, có những doanh nghiệp Nhật Bản phải xem lại kế hoạch kinh doanh tại đây do bất ổn vĩ mô.
Thực ra, tình hình tỏ ra khá êm dịu vào Q.1/2010 với lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ dần tăng. Tuy nhiên, sự nôn nóng có vẻ thắng thế, nên chính sách đã chuyển từ ổn định kinh tế vĩ mô sang tăng trưởng trong khoảng 3-4 tháng giữa năm nay. Cho tới cuối giai đoạn đó, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á ADB Ayumi Konishi đã gửi một thông điệp tới những người điều hành kinh tế của Việt Nam. “Những rủi ro trong nước chủ yếu tập trung vào khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tài khóa, hoặc cả hai, một cách vội vàng; hoặc việc thị trường tài chính và các nhà đầu tư trong nước cho rằng chính sách đã nới lỏng. Việc nới lỏng quá sớm hoặc cho rằng chính sách đã được nới lỏng có thể làm chệch hướng những nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, làm cho lạm phát leo thang trở lại và gây áp lực đối với các cán cân thanh toán”. Những gì diễn ra sau đó cho thấy, lời cảnh báo của vị chuyên gia kinh tế này là có cơ sở.
Tuy vậy, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu lại tin rằng chính sách tiền tệ không có lỗi. Khi tình hình đã trở nên rất đáng quan tâm đối với toàn dân, Thống đốc đã có buổi giải trình với Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Thường trực Quốc hội. Ông khẳng định: “Việc điều hành tiền tệ trong năm qua không trực tiếp gây ra lạm phát, nếu xét về các chỉ số về cung ứng tín dụng, phương tiện thanh toán”.
Theo cách giải thích này, có vẻ như chính sách tài khóa sẽ chịu trách nhiệm chính. Song những con số thống kê chính thức dường như đi ngược với nhận định này. Tổng cục Thống kê cho biết, hầu hết các khoản chi ngân sách nhà nước đều thấp hơn dự toán mà Quốc hội đã thông qua. Cụ thể, tổng chi ngân sách nhà nước ước tính bằng 98,4% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 98,4%; duy nhất chi trả nợ và viện trợ là tăng bằng 114,1%. Tuy nhiên, không ít nhà kinh tế cho rằng, những con số này dù chưa đạt chỉ tiêu, song đã vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế.
Bất chấp giải thích của Thống đốc Giàu cũng như những số liệu đẹp về tài khóa, nhiều nhà kinh tế vẫn giữ quan điểm cổ điển. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức giải thích: “Tôi không nói Thống đốc hay chính sách sai. Rõ ràng, trong nền kinh tế nào thì tiền và hàng cũng luôn luôn song hành với nhau, và cứ lạm phát là biểu hiện của tiền ra, không còn có một giải thích nào khác cả”.
Là một nhà kinh tế có uy tín, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành có cái nhìn bao quát hơn về tình hình bất ổn vĩ mô trở lại. Nó là tổng hợp của các yếu kém nền tảng của Việt Nam, dẫn đến lòng tin vào tính ổn định của kinh tế vĩ mô thấp. Tất cả những vấn đề đó luôn gây áp lực lên tiền đồng.
Việt Nam đã hạ quyết tâm kiềm chế lạm phát ở mức 7% trong năm nay trong khi vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 7,5%. Chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ được sử dụng như thế nào để đạt được các mục tiêu đó? Câu trả lời còn tùy thuộc vào những bài học mà Chính phủ đã rút ra được từ kinh nghiệm điều hành kinh tế trong năm Canh Dần.
|
||||
Họ và Tên:* |
|
|||
Email:* | ||||
Tiêu đề :* |
|
|||
Ý kiến của bạn |
|
|||
|