Lời khuyên để khi dùng máy tính tránh đau mỏi cơ

Thời gian gần đây chị Linh luôn than vãn đau đầu, đau cổ, mỏi mắt và mỏi khắp cơ thể. Nghĩ mãi chị Linh vẫn không tìm được nguyên nhân khiến mình đau mỏi như vậy. Hai vợ chồng chị chưa có em bé, công việc nhà thì có người giúp việc, nên chị không phải vất vả sớm hôm. Công việc của chị cũng chỉ làm trên máy tính, và làm trong giờ hành chính, đôi khi chị mới phải làm thêm buổi tối ở nhà.

Ngay từ khi ý thức thấy cơ thể mình có những dấu hiệu lạ, chị đã tăng cường bồi bổ cơ thể, nghỉ ngơi nhiều hơn vào buổi tối. Nhưng sau một thời gian chị vẫn cảm thấy mệt mỏi, đau đầu kinh khủng, nhất là sau khi ở cơ quan về nhà. Đi khám bác sĩ chị Linh mới giật mình. Thì ra bấy lâu nay, chị ngồi máy tính quá nhiều, mà lại ngồi không đúng cách nên hậu quả là chị thường xuyên bị đau đầu và mỏi toàn thân.

Máy tính có phải là nguyên nhân gây đau đầu hay không? Dù câu trả lời là gì đi nữa thì có một sự thực không thể phủ nhận, đó là rất nhiều nhân viên văn phòng làm việc lâu với máy tính trong ngày thường bị rơi vào tình trạng đau đầu, mỏi vai, mỏi cổ, mỏi mắt và cả chân tay.

Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp các nhân viên làm việc nhiều với máy tính có thể kiểm soát sức khỏe và tránh những cơn đau đầu không mong muốn.

1. Đặt màn hình máy tính ở đúng tầm nhìn

Vị trí của màn hình nên được đặt trực tiếp trước mặt. Nếu bị lệch sang trái hoặc phải thì có thể làm cho bạn bị đau cổ và vai, vì bạn sẽ cần phải xoay cơ thể để xem màn hình hoặc ngồi ở một vị trí không thoải mái.

2. Giữ màn hình cách xa mắt bằng với chiều dài của cánh tay

Màn hình nên được để cách xa bằng chiều dài của cánh tay với tư thế bạn đang ngồi trên ghế. Ngồi quá gần hoặc quá xa màn hình có thể khiến mắt bị căng. Nếu màn hình lớn hơn 20 inch thì có thể ngồi xa hơn chút nữa.

3. Giữ mắt ngang tầm màn hình của bạn

Một màn hình thấp sẽ làm cho bạn nghiêng đầu về phía trước để xem màn hình, đây là nguyên nhân phổ biến gây đau cổ. Nếu màn hình quá cao, bạn có thể phải ngẩng đầu lên gây đau cổ và vai. Ánh sáng do màn hình cao hơn tầm mắt cũng là nguyên nhân khiến bạn bị đau đầu.

4. Màn hình hơi hất lên

Xoay màn hình sao cho hơi ngửa lên trên để bạn có thể xem toàn bộ màn hình và hiển thị rõ ràng hơn. Để màn hình nghiêng trở xuống là không nên trừ khi điều này là cần thiết để làm giảm độ chói từ đèn trên đầu hoặc trừ khi màn hình của bạn quá cao và không thể điều chỉnh được.

5. Cẩn thận với các cửa sổ

Ánh sáng phản xạ từ cửa sổ lên màn hình có thể làm cho người sử dụng máy tính bị lác mắt. Có một cách để kiểm tra độ chói là tắt màn hình và kiểm tra xem có phản xạ hay không.

6. Cân bằng độ sáng của màn hình và môi trường xung quanh

Điều chỉnh màn hình sao cho độ sáng của màn hình tương ứng với ánh sáng khu vực phía sau. Độ sáng không đồng đều có thể gây ra đau đầu cũng như mệt mỏi và khiến bạn bị nheo mắt. Bạn có thể cần phải điều chỉnh độ sáng màn hình trong suốt cả ngày nếu bạn làm việc dưới ánh sáng tự nhiên chứ không phải là dùng đèn điện.

7. Điều chỉnh cỡ chữ và màu của văn bản

Kích thước và cỡ chữ của văn bản nên rõ ràng để bạn có thể đọc. Văn bản màu đen trên nền trắng thường là phù hợp nhất để xử lý văn bản.

8. Giảm ánh sáng chói

Nếu màn hình có ánh sáng chói sẽ gây khó chịu, mỏi mắt, và đau đầu. Hãy thử đặt lại vị trí màn hình của bạn để không có ánh sáng chói trên màn hình nhưng tránh đặt nó ở vị trí khó nhìn. Nếu bạn không thể tránh được ánh sáng chói bởi điều chỉnh vị trí màn hình thì hãy xem xét lựa chọn màn hình chống chói.

Nguồn : Afamily
THAM GIA Ý KIẾN VỀ BÀI VIẾT TRÊN  
  Họ và Tên:*

  Email:*
  Tiêu đề :*

  Ý kiến của bạn