Sĩ tử chen chân ở lò luyện thi cấp tốc

Dọc đường Xuân Thủy, các ngõ ngách khu vực ĐH Sư phạm, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội… la liệt những tấm biển quảng cáo trung tâm luyện thi. Tất cả đều đưa ra những tên tuổi thầy giáo nổi tiếng, người đăng ký có thể học thử, học từng môn hay cả ba môn…

Tại một trung tâm luyện thi gần ĐH Sư phạm, người phụ nữ đứng tuổi tay bút, tay sổ, miệng nhanh nhảu giới thiệu các khóa học: “Giá niêm yết sẵn trên bảng rồi, 15.000 đồng, 50.000 đồng một buổi cũng có, tùy môn, tùy thầy. Lớp luyện cấp tốc cả ba môn thì 1,3 triệu đồng, đóng tiền cả tháng, học thử thì mua vé”.

Theo người phụ nữ này, lớp học mới khai giảng có 200 sĩ tử, nhưng thực tế con số phải hơn 300. Những dãy bàn kê san sát, chỉ chừa lối đi chật hẹp. Người học ngồi sát nhau, mồ hôi đầm đìa mặc dù những chiếc quạt chạy hết công suất. Thầy giảng cứ giảng, trò ai thích thì học, không thích thì nói chuyện, thậm chí lăn ra ngủ cũng chẳng ai ý kiến.

Hoàng Thị Phương (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, phải bắt xe bus đi học từ 6h sáng. Lớp luyện thi của Phương có số học sinh ngoại tỉnh rất đông, trong đó không ít đến từ các tỉnh xa như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang… Nhiều bạn phải vất vả tìm nhà trọ ở gần lò luyện để tiện cho việc học.

Lớp đông, bàn chật, chân chẳng thể duỗi, thầy lại giảng nhanh, Phương lúc nào cũng căng thẳng chép bài, chốc chốc lại liếc sang vở bạn bên cạnh vì nghe không kịp. “Ở những lớp này phải đi sớm để chiếm chỗ, không may đi muộn bị nhồi nhét cứ như ở lò bát quái ấy”, Phương nhắn nhó nói.

Ở một lò luyện thi trên đường Đội Cấn, gần 100 sĩ tử đang chen chúc trong căn phòng chừng 35 m2. Có học sinh phải ngồi ghế nhựa, kê cặp làm bàn vì hết chỗ. Chỉ một số ít chăm chú nghe thầy giảng, đa số dáng vẻ mệt mỏi, uể oải ghi bài. Một vài người gục xuống bàn ngủ.

Hoàng Lê Dương (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mặc dù kiến thức đã nắm kha khá vì có gia sư riêng, nhưng bố mẹ cậu vẫn chưa yên tâm nên nhờ người đăng ký cho một trung tâm uy tín để luyện cấp tốc. “Em đi để mua sự yên tâm cho bố mẹ, chứ học ở trường, ở nhà rồi lại đến lò luyện, em mệt chẳng còn sức đâu mà nghe giảng”, Dương nói.

Theo Tăng Văn Bình, thủ khoa duy nhất giành điểm tuyệt đối kỳ thi vào đại học năm 2010, đề thi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT thường theo phom chuẩn, sát với cấu trúc và kiến thức được học. Vì thế, nếu mỗi người biết mình còn hổng chỗ nào thì có thể tự học.

“Việc đến lò luyện chỉ thực sự có ích khi người học chăm chỉ, chú tâm nghe giảng, chứ lò luyện không có tác dụng kỳ diệu như một số người vẫn nghĩ. Song song với việc học ở đấy, về nhà mỗi người phải chủ động học, trau dồi thêm thì mới có kết quả như mong muốn”, Bình góp ý.

Nguồn : VnExpress
THAM GIA Ý KIẾN VỀ BÀI VIẾT TRÊN  
  Họ và Tên:*

  Email:*
  Tiêu đề :*

  Ý kiến của bạn