Sự thật về giếng nước nóng bất thường

Có một số tờ báo đưa tin nước giếng nóng đến 70 độ C, khi bơm hút lên làm biến dạng cả ống nhựa; bà Huẫn, mẹ ông chủ giếng nước này, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, hai bàn tay bị bệnh co quắp từ nhiều năm nay, lấy nước giếng này tắm đã thấy khỏe mạnh, hai bàn tay đã co duỗi tốt.

Sự thực là như thế nào?

 

Nước giếng nhà ông Bảo đã trở lại bình thường

Vào lúc 10 giờ ngày 12-4, chúng tôi có mặt tại nhà ông Lê Văn Bảo. Ông Bảo trực tiếp bơm nước từ giếng lên, nước giếng không hề có hơi nóng bốc lên, sờ tay vào không nóng rát, cảm giác như nước lã ở các giếng bình thường bên cạnh.

Ông Lê Văn Bảo cho biết, nước giếng đã hết nóng, trở lại bình thường như nước lã ở các giếng khác, từ ngày 6-4. Cũng theo ông Bảo, trước đó, từ ngày 21-2, nước giếng nhà ông có hiện tượng nóng lên, vợ chồng ông dùng để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt và tắm rửa, làm vệ sinh cho mẹ đẻ là cụ Huẫn (95 tuổi).

Hỏi về thông tin nước giếng này nóng 70 độ C, làm biến dạng cả ống nhựa, hỏng máy bơm, ông bảo bức xúc nói: “Nhiều người đến xem giếng, ông chỉ nói là nước nóng, chứ có dụng cụ gì để đo đâu mà biết nóng bao nhiêu độ, còn họ thông tin thế nào thì tôi đâu có biết”.

Về việc bà Huẫn, ông Bảo cho biết bà bị bệnh co quắp chân tay do biến chứng não từ nhiều năm nay. Gia đình đã cho uống thuốc nam và sử dụng mật gấu để xoa bóp chữa bệnh cho bà cụ. Thường ngày, gia đình vẫn dùng nước giếng tắm rửa làm vệ sinh cho bà.

Cả hai vợ chồng ông Bảo đều khẳng định không tin có chuyện nước giếng nóng bất thường chữa được bệnh cho cụ Huẫn.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng công an xã Thái Niên, từ ngày 21-3, nước giếng nhà ông Bảo có hiện tượng nóng ấm dần lên. Ngày 9-4, Trung tâm quan trắc môi trường ( Chi cục BVMT tỉnh Lào Cai) đã có két quả phân tích mẫu nước giếng nhà ông Bảo.

Cụ thể, nhiệt độ đo được tại giếng là 35,8 độ C, 14 chỉ số khác về độ PH, hữu cơ phân hủy, kim loại nặng… đều ở mức cho phép. Ông Lưu Đức Cường, Phó giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường khẳng định, giếng nước nhà ông Bảo bình thường như nhiều giếng nước trong khu vực, bảo đảm dùng cho sinh hoạt của người dân.

Về nguyên nhân nước giếng nóng lên, cần có sự phân tích, đánh giá của các nhà địa chất học, nhưng theo ông Cường có thể do phản ứng hóa học, bởi dưới lòng đất Lào Cai có nhiều mỏ quặng, đặc biệt là sự phân hủy phốt pho từ quặng apatít.

Nguồn : Vietnamnet
THAM GIA Ý KIẾN VỀ BÀI VIẾT TRÊN  
  Họ và Tên:*

  Email:*
  Tiêu đề :*

  Ý kiến của bạn