Sửa tiếp Thông tư 13: Khơi thông vốn, hỗ trợ giảm lãi suất

Ngày 30/8/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Thông tư số 22/2011/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đã được sửa đổi bởi Thông tư số 19/2010/TT-NHNN.


Với Thông tư số 22, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cụ thể hóa định hướng đưa ra trước đó, chính thức hủy bỏ tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động quy định tại Thông tư 13, được sửa đổi, bổ sung sau đó bởi Thông tư 19.


Bên cạnh đó, Thông tư số 22 cũng điều chỉnh hệ số rủi ro đối với một số tài sản có bằng ngoại tệ khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.


Thông tư số 22/2011/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2011.


Như vậy, một lần nữa Thông tư số 13/2010/TT-NHNN tiếp tục được sửa đổi. Đây là thông tư thu hút sự quan tâm lớn nhất của dư luận, cũng như các thành viên thị trường trong năm 2010 bởi những quy định gây nhiều tranh luận và phản ứng khác nhau.


Trước thời điểm Thông tư số 13 có hiệu lực (1/10/2010), 14 ngân hàng thương mại qua đầu mối là Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có kiến nghị tập trung vào những quy định được cho là không hợp lý và gây khó khăn trong hoạt động của họ.


Kiến nghị trên đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi. Sát thời điểm có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 19 với một số điểm sửa đổi cơ bản.


Và nay, với Thông tư số 22 vừa ban hành, một nội dung quan trọng của Thông tư số 13 là tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động đã được hủy bỏ.


Theo định hướng Ngân hàng Nhà nước đưa ra cuối tuần qua, việc điều chỉnh này nhằm tạo sự luân chuyển và điều hòa vốn giữa thị trường 1 và thị trường 2, giữa tổ chức tín dụng thừa và tổ chức tín dụng thiếu vốn, giúp các tổ chức tín dụng thiếu vốn có điều kiện tăng trưởng tín dụng trong giới hạn 20% và hạ được lãi suất cho vay.


Như vậy, quy định các tổ chức tín dụng chỉ được cấp tín dụng 80%/85% từ vốn huy động và những hạn chế liên quan đến việc xác định mẫu số “vốn huy động” đã được tháo gỡ.


Trước đó, việc không đưa tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội, hay ngay cả phần vốn tự có… vào “vốn huy động” để tính tỷ lệ trên, hay ngay cả tiền vay tổ chức tín dụng nước ngoài về cho vay lại cũng bị giới hạn 80%… được các thành viên thị trường cho là bất hợp lý; thậm chí là lo ngại những nguồn vốn đó sẽ bị “nằm chết”.


Với Thông tư 19 sửa đổi, bổ sung sau đó, tỷ lệ 80%/85% nói trên được xác định là từ vốn huy động, tức các nguồn khác đặc biệt là vốn tự có của tổ chức tín dụng không bị lệ thuộc vào giới hạn này. Bên cạnh đó, Thông tư 19 cũng đã xem xét lại việc tính thêm các nguồn vốn nói trên nhưng áp các hạn chế về kỳ hạn, hoặc chỉ cho tính một tỷ lệ thấp (như chỉ cho dùng 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế để cho vay)…


Giới hạn về tỷ lệ cấp tín dụng nói trên thời gian qua đã có nhiều ý kiến phản biện, tập trung ở việc hạn chế nguồn vốn, hay cách nói vốn bị “nằm chết” trong kiến nghị của 14 ngân hàng nói trên, hoặc gạt bỏ giá trị của những dòng vốn khi chảy qua kênh ngân hàng (như tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn khi tập trung tại ngân hàng thì có thể khai thác ở giá trị tín dụng). Và điều này ảnh hưởng đến chi phí của các tổ chức tín dụng, khiến lãi suất cho vay bị đội lên.


Lần sửa đổi này, với việc hủy bỏ quy định nói trên, một rào cản trong sử dụng vốn để cho vay được gỡ bỏ, đồng nghĩa với các tổ chức tín dụng có thêm điều kiện để tận dụng các nguồn vốn để đẩy mạnh cho vay, cũng như giảm thêm chi phí để có thêm cơ sở thực tế hưởng ứng chủ trương hạ lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra.


Đây cũng là một phương án mà Ngân hàng Nhà nước triển khai theo thông điệp sẽ điều chuyển vốn từ chỗ thừa sang chỗ thiếu, để các nhà băng có thêm điều kiện cho vay và giảm lãi suất như đề cập ở trên. Đây cũng là một giải pháp hỗ trợ giảm lãi suất bằng sự cân đối lại các nguồn vốn trong hệ thống, thay vì tăng cung tiền để giảm lãi suất có thể dẫn tới áp lực tăng lạm phát.


Và có thể hiểu đó cũng là lý do chính để Ngân hàng Nhà nước ấn định ngày có hiệu lực của Thông tư số 22 là ngay từ 1/9 này – thời điểm bắt đầu “tính” thực tế khả năng giảm lãi suất cho vay theo thông điệp rút về 17% – 19%/năm mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhiều lần đưa ra.


Điều đó cho thấy nhà điều hành đang gấp rút triển khai các điều chỉnh chính sách, dù ở đây có thể có một vướng mắc về kỹ thuật ban hành văn bản, theo quy định thời điểm hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành…

Nguồn : Vneconomy
THAM GIA Ý KIẾN VỀ BÀI VIẾT TRÊN  
  Họ và Tên:*

  Email:*
  Tiêu đề :*

  Ý kiến của bạn