Trọ học xa nhà, vất vả kể bao nhiêu cho đủ

Hè về mỗi góc trời đều rực màu hoa phượng, khi nhắc đến thi cử ai cũng nghĩ ngay đến hai kì thi quan trọng của các sĩ tử lớp 12, ít người để ý rằng những người một, hai năm về trước cũng đã từng là sĩ tử vác lều chõng đi thi giờ đây cũng đang vùi đầu vào sách vở chuẩn bị cho kì thi cuối năm ở bậc đại học.

Lần đầu tự lập

Bao nhiêu nỗi khổ khi phải rời xa bố mẹ và tự lo cho cuộc sống riêng của mình làm họ thấy không hề dễ chịu. Hà Nội những ngày này nhiệt độ luôn ở ngưỡng 38-39 độ C, các bạn có nhà ở đây sẽ không hiểu được nỗi khổ của sinh viên trọ học.

Bạn Ánh(Thái Bình – ĐH Điện lực) cho hay: “Nắng nóng thế này ở nhà ôn thi rất khó tập trung, phòng mười mấy mét vuông, nắng chiếu vào từ 2 phía, trong phòng như lò nung. Có hôm mình phải đổ nước ra nền nhà cho bớt nóng”.

Nhà trọ vừa bé, vừa nóng

Cũng chung ý kiến đó, khi được hỏi chuyện học hành ôn thi thế nào, bạn Hương (Thái Bình – HV Báo chí và tuyên truyền) cho biết: “Mình bị áp lực thi cử, thực sự khi mùa thi đến mình rất căng thẳng. Năm nhất lại phải học khá nhiều những môn lí luận vậy nên để học, nhớ và không nhầm lẫn giữa các môn là không hề dễ. Không quen nhiều khóa trên, mình cũng chưa nắm được cách học tốt nhất, nên vẫn giữ cách học thời cấp 3”.

Bạn Hiền (Hải Dương – Học viện Tài chính) nói : “Xa bố mẹ, chẳng ai đi chợ nấu cơm cho, bọn mình phải tự lo hết mọi việc trong cuộc sống, những ngày thi lại không muốn nấu ăn quá cầu kì vì còn tranh thủ thời gian học, thành ra có khi chỉ ăn đậu phụ và rau luộc, nhìn mâm cơm mình nấu rồi nhớ lại bữa trưa của mẹ khi còn ở nhà thì tủi thân lắm, chỉ muốn khóc thôi”.

Thiếu ăn,đói ngủ là chuyện thường

Hiền cũng chia sẻ cô bạn cùng phòng của Hiền, hồi năm nhất vì quá căng thẳng khi ôn thi nên học suốt ngày, kết quả là bị ngất trong phòng thi do ăn uống thiếu chất và thiếu ngủ. Nhìn căn phòng các bạn ở, bữa cơm hàng ngày của các bạn, tôi hiểu rằng không phải ngại đi chợ nấu cơm, hay vì quá bủn xỉn mà họ không nấu nổi một bữa ăn ra trò. Thực sự cuộc sống sinh viên trọ học xa nhà không lấy gì làm dư dả, có hàng trăm thứ phải lo lại thêm những khoản chi tiêu không tên bên lề, họ không cho phép mình hoang phí.

Bữa cơm đạm bạc dễ làm chạnh lòng các bậc làm cha làm mẹ

Một cái bếp, một bình gas – Đó là BẾP của sinh viên xa nhà

Tình xóm trọ thay cho tình gia đình

Thời tiết mỗi lúc một nắng nóng, ăn uống không đủ chất, áp lực thi cử mỗi lúc một đè nặng, nhiều bạn nữ hay tủi thân chỉ biết khóc khi nhớ bố mẹ. Vậy mà gọi điện về cho bố mẹ, cũng không dám kêu ca nhiều, vì sợ bố mẹ lo lắng, gia đình họ chủ yếu sống bằng nghề thuần nông, cuộc sống đã đủ vất vả rồi. Vô hình chung, tình yêu thương đó trở thành động lực cho nỗ lực của họ.

Bạn Trung (Thanh Hóa – ĐH Điện lực) cho biết, gia đình cậu sống bằng nghề nông, trồng hoa quả rau màu, em trai không học được đại học, giờ đang đi làm để gửi tiền cho anh trai đi học, thế nên Trung cố gắng học để có thể có học bổng, giúp giảm bớt một phần nào áp lực về kinh tế cho gia đình. Thời gian rỗi Trung còn đi làm thêm nữa.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ, những quyết tâm luôn cháy sáng trong những người trẻ này làm cho một người bạn mới là tôi thực sự khâm phục. Trong xóm trọ, đôi khi người nọ giúp người kia một chút, nhà nọ cho nhà kia bát rau, hay con cá. Cái tủi thân mỗi khi nhớ nhà, cái nỗi nhọc nhằn khi mới đôi mươi đã phải lo tự thân vận động cũng vì thế mà vơi đi ít nhiều.

Phần lớn sinh viên hôm nay tôi tiếp xúc đều cho rằng những khó khăn nêu trên là cuộc sống, và họ đang SỐNG, nên không có gì đáng ngại mà phải quá bi quan. Dù cuộc sống khó khăn thế nào, thì họ cũng đang từng ngày nỗ lực để vượt qua bằng cách này hay cách khác. Và họ là những người trẻ nên với họ chẳng có gì là không thể.

Nguồn : PNT
THAM GIA Ý KIẾN VỀ BÀI VIẾT TRÊN  
  Họ và Tên:*

  Email:*
  Tiêu đề :*

  Ý kiến của bạn