TTCK Việt Nam sẽ diễn biến thế nào trong năm 2011?

TTCK VN trong năm 2010 đã tạo cho các nhà đầu tư một tâm lý bi quan với sự sụt giảm trong thời gian dài của các chỉ số chứng khoán VN – Index và HNX – Index. Vậy trong năm 2011 tình hình thị trường chứng khoán sẽ diễn biến như thế nào ?

Tín hiệu tích cực từ nhân tố bên ngoài

Trong các năm 2008, 2009, 2010 kinh tế thế giới chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ mà xuất phát điểm là từ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, nên đã bị sụt giảm nghiêm trọng, nếu không muốn nói là đã lâm vào khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Điều này đã buộc rất nhiều nước trên thế giới đưa ra các gói giải cứu để cố gắng đưa nền kinh tế thế giới phục hồi. Với những cố gắng đó, nền kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng vào các tháng cuối năm 2010, đánh dấu bởi sự phục hồi tăng trưởng kinh tế của Mỹ, Nhật và một số nước Châu Âu (Đức, Pháp…). Tín hiệu của sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới được củng cố hơn với sự đóng góp của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới là Trung Quốc, khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2010. Các chuyên gia kinh tế lớn trên thế giới đều dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh hơn vào năm 2011. Nếu dự đoán này là đúng thì sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế VN, nhất là lĩnh vực xuất khẩu, do thị trường xuất khẩu của VN sẽ hồi phục và phát triển cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Sang năm 2011, tình hình hệ thống tài chính – tiền tệ thế giới vẫn là yếu tố phức tạp và khó dự đoán nhất, với diễn biến phức tạp của khủng hoảng nợ công ở một số nước khu vực đồng tiền chung Châu Âu và nguy cơ vỡ nợ của những nước có nền kinh tế lớn như: Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, đây là hai nền kinh tế lớn nên nếu hai nền kinh tế này vỡ nợ thì tác động của nó vô cùng to lớn đến nền kinh tế EU nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Do vậy các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, EU sẽ không để cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vỡ nợ, và họ sẽ tìm mọi cách để hai nền kinh tế này đứng vững. Vì vậy vấn đề nợ công của Châu Âu sẽ dần được kiểm soát và hệ thống tài chính – tiền tệ thế giới sẽ đứng vững mặc dù giới đầu cơ sẽ nhân cơ hội này để tung những đòn làm lợi cho mình. Vì vậy các nhà đầu tư trong nước cũng cần đề phòng những tác động tiêu cực khi các nhà đầu cơ lớn trên thế giới trục lợi trước những tin tức xấu về nợ công của Châu Âu.

Cũng trong năm 2011, sức ép nặng nhất đối với thị trường là vấn đề lạm phát ở các nước. Đây là vấn đề tất yếu vì các chính sách làm cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng đều dẫn đến lạm phát gia tăng, và theo lý thuyết kinh tế học thì khi kinh tế tăng trưởng cũng kéo theo lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề là mức lạm phát như thế nào để nền kinh tế có thể chịu đựng được. Trước mắt, theo cam kết của các chính phủ thì chính sách kinh tế vẫn phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế nên phần lớn đều giữ chính sách tiền tệ mở rộng với mức lãi suất thấp để kích thích kinh tế, đồng thời sử dụng chính sách tài khoá thắt chặt, cắt giảm chi tiêu công để kiềm giữ mức lạm phát vừa phải và lạnh mạnh hoá nợ công. Đây là tín hiệu tốt cho TTCK thế giới trong năm 2011, điều đó đã được minh chứng bởi sự tăng điểm liên tục của các chỉ số chứng Mỹ, Châu Âu, Châu Á trong những ngày gần đây.

Cơ hội từ nhân tố bên trong

Với kế hoạch tăng trưởng kinh tế trong năm 2011 là từ 7 – 7,5% được xem là khá khiêm tốn so với năm 2010. Tuy nhiên, đây được xem là mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới nếu so sách với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới dự kiến chỉ ở mức khoảng 3-3.5%. Đồng thời, với việc chuyển hướng tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng thì mức tăng trưởng khoảng 7 – 7,5% được xem là hợp lý trong điều kiện hiện nay của VN. Với quan điểm tăng trưởng mới, hi vọng trong năm 2011 việc đầu tư cho các ngành có hàm lượng công nghệ cao, hàm lượng chế biến sâu sẽ gia tăng tạo tiền đề cho tăng năng suất lao động trong những năm tiếp theo, giúp cho nền kinh tế VN tăng trưởng bền vững trong những năm tới.

Nhà đầu tư phải vô cùng tỉnh táo khi quyết định đầu tư và kiên quyết không đầu tư vào một cổ phiếu mà mình chưa có thông tin.
Liên quan đến vấn đề tăng trưởng kinh tế bền vững là vấn đề kiềm chế lạm phát. Trên tinh thần phải kiềm chế lạm ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ đã huy động mọi sức mạnh từ kinh tế đến quản lý hành chính để kiềm chế lạm phát ở mức 7% như mục tiêu đặt ra. Nếu mức lạm phát đạt được như mong muốn thì lãi suất thị trường cũng sẽ giảm dần theo mức giảm của lạm phát. Các nhà kinh tế VN đều dự đoán bắt đầu từ quý hai năm 2011, lãi suất sẽ bắt đầu giảm, có thể đến cuối năm 2011, lãi suất sẽ tiến triển thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh. Và nếu lãi suất giảm thì thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc, thậm chí sẽ có bước tăng trưởng đột phá trong năm 2011. Mặt khác, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế tình hình hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô sẽ tốt hơn trong năm 2011.

Tuy nhiên, đầu tư trên thị trường sẽ chịu tác động rất lớn của tâm lý các nhà đầu tư. Điều này thể hiện rất rõ ở các thị trường mới nổi như VN. Trong năm qua, nhiều lúc việc phân tích không chính xác, không đủ căn cứ và thường trùng lắp của nhiều Cty chứng khoán và các cá nhân nhà phân tích làm cho thông tin xấu dồn dập đến nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, làm cho nhiều nhà đầu tư có tâm lý bi quan đối với thị trường, mặc dù trong thực tế tình hình kinh tế vĩ mô không đến mức quá xấu như phân tích. Tuy nhiên, khi thị trường có những đợt sóng thì người ta lại thấy dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường gây ra hiện tượng tăng nóng của cổ phiếu. Thị trường tăng nóng, hay quá nguội lạnh đều là các trạng thái không tốt cho thị trường. Thị trường ở trạng thái tốt khi nó tăng trưởng bền vững. Những nhận định và khuyến nghị của những nhà phân tích chứng khoán dù vô tình hay cố ý đã gây tâm lý hoang mang trên thị trường và làm thị trưởng sụt giảm kéo dài trong khi trên thế giới thị trường chứng khoán các nước liên tục tăng điểm.

TTCK năm 2011 có nhiều cơ hội và cũng có nhiều thách thức, yêu cầu các nhà đầu tư phải vô cùng tỉnh táo khi quyết định đầu tư vào một cổ phiếu nào đó, và kiên quyết không đầu tư vào một cổ phiếu mà mình chưa có nhiều thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty đó. Hãy tự tin và luôn tuân thủ lời khuyên: “Hãy tham lam khi người ta hoảng sợ và hãy hoảng sợ khi người ta tham lam”.

PGS TS Nguyễn Văn Trình
Phó hiệu trưởng Trường đại học kinh tế – luật
ĐHQG TP HCM

Nguồn : DDDN
THAM GIA Ý KIẾN VỀ BÀI VIẾT TRÊN  
  Họ và Tên:*

  Email:*
  Tiêu đề :*

  Ý kiến của bạn