Cải tạo chung cư cũ: Dân lo, doanh nghiệp khổ

Cải tạo lại là mừng, nhưng cũng là bi kịch

Cả tuần nay, ông Trần Bảy, sống tại nhà D5 Thái Thịnh đang sống trong tâm trạng thấp thỏm không yên. Lý do chính là vì quyết tâm cải tạo, xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nói một cách trung thực thì nhà D5 này cũng rất cần phải cải tạo lại. Hai năm trước (năm 2009- PV) chính quyền địa phương cũng đã giới thiệu một doanh nghiệp đến thăm dò, nói chuyện sẽ cải tạo lại nhà D5. Nhưng phương án chủ đầu tư đưa ra không được bà con khu nhà đồng ý, nên việc cải tạo tạm thời lắng xuống. Đến đầu tháng 8/2011 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội vừa báo cáo UBND TP. Hà Nội về tình hình cải tạo các khu chung cư cũ trên địa bàn.

Theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, trong tháng 8/2011, Sở Quy hoạch – Kiến trúc phải cung cấp và công khai các thông số quy hoạch cho từng khu chung cư cũ, yêu cầu Sở Xây dựng tổng hợp, rà soát các dự án, kể cả khu chung cư, nhà đơn lẻ để xác định lại nhà đầu tư được giao có đủ điều kiện thực hiện hay không, dựa trên các tiêu chí về quỹ nhà tạm cư, vốn đối ứng… sau đó sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án và các nhà đầu tư. Nếu chủ đầu tư nào không thực hiện trong khi đã có đủ điều kiện, được quận, huyện tạo cơ hội thì sẽ thay thế bằng nhà đầu tư khác, không để kéo dài.

Sự quyết tâm của UBND TP. Hà Nội là một tín hiệu vui cho Hà Nội, cho người dân nhưng cũng là điều khiến nhiều người hoang mang lo lắng. Ông Bảy sống tại nhà D5 Thái Thịnh cũng ngót ngét nửa đời người, may mắn vì thời điểm giao nhà, nhiều gia đình sợ bẩn không ở tầng 1 thì nhà ông lại nhận căn đầu hồi nên cũng có chỗ để kiếm kế sinh nhai.

Tuy nhiên, tính theo chủ trương mới của thành phố, khi cải tạo lại nhà, tầng 1 sẽ trở thành trung tâm thương mại, những gia đình ở tầng 1 phải di chuyển lên tầng trên sẽ mất kế sinh nhai.

Mặt khác, những khu nhà mới xây dựng lại thường có diện tích lớn, với một gia đình cán bộ về hưu như ông Bảy không biết lấy tiền ở đâu để nộp thêm.

“Đúng là ở căn nhà như thế này quá chật, để sử dụng chỗ nào cũng phải kiêm nhiệm, vừa là phòng khách, vừa là phòng ngủ, Nhưng cải tạo cũng có nhiều cái lo”, ông Bảy nói.

Không chỉ lo lắng về khoản tiền phải đóng góp thêm nếu cải tạo lại nhà chung cư cũ, nhiều cư dân tại các toà chung cư có dự kiến được cải tạo, cũng như các chủ đầu tư lại đang khóc dở mếu dở vì chuyện đề bù, giải phóng mặt bằng.

Đơn cử như dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), được triển khai từ năm 2002, đến nay chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và phát triển nhà số 7 vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của hai nhà A1, A2 vì vẫn còn 40/199 hộ dân chưa chấp thuận phương án bồi thường, di dời (trong khi cả dự án có tới 14 nhà dự kiến xây mới). Trước thực trạng đó, doanh nghiệp đang chịu sức ép rất lớn về tài chính, còn dự án thì chưa biết khi nào mới khởi công được và người dân thì cứ khổ sở trong sự chờ đợi.

Chung cư cũ phá vỡ quy hoạch không gian

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở xây dựng, việc cải tạo lại chung cư cũ có nơi còn “nóng” khi người dân đòi quyền quyết định chọn chủ đầu tư. Trong khi đó, tại những vị trí lên kế hoạch cải tạo đều nằm trong nội thành, là khu vực hạn chế phát triển, giảm tầng cao, giảm mật độ dân cư nên không thể xây quá cao tầng được.

Nhưng, trên thực tế dự án nhà B6 Giảng Võ đang được chủ đầu tư xây lên tới 28 tầng. Theo nội dung phân vùng để kiểm soát phát triển công trình cao tầng trong khu vực 4 quận nội thành đã được UBND thành phố thống nhất và báo cáo Thủ tướng thì công trình cải tạo nhà B6 Giảng Võ thuộc phân vùng có quy mô 21 tầng.

Theo tiêu chuẩn nhà B6 Giảng Võ chỉ được xây dựng 21 tầng, nhưng theo hồ sơ trình Sở Xây dựng xin giấy phép công trình này được xây lên 28 tầng. UBND TP. Hà Nội đã ra văn bản tuýt còi việc này.
 

Nhưng trong hồ sơ gửi Sở Xây dựng Hà Nội mới đây xin cấp phép xây dựng, thì quy mô công trình có tổng cộng 28 tầng.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, khi lập dự án ban đầu cải tạo B6 Giảng Võ trước đây thì chỉ có 2 khối nhà 13 và 15 tầng, sau đó điều chỉnh lần đầu nâng cả hai khối lên 17 tầng, sau đó lại điều chỉnh tiếp lên 19 rồi lên 22 tầng, đến khi xin cấp phép xây dựng thực tế lại phình ra tới 28 tầng!

Việc chủ đầu tư vào bằng được các tòa nhà chung cư cũ để cải tạo rồi lại tùy tiện nâng tầng lên khiến quy hoạch về không gian của Hà Nội đang bị phá vỡ. Và cũng gây khó khăn cho chính những người thực hiện công tác quy hoạch của thủ đô.

Từ việc này, có nhiều ý kiến cho rằng cần tỉnh táo khi thực hiện cải tạo chung cư cũ. Vấn đề trước tiên phải được đảm bảo, đó là việc phải phù hợp với quy hoạch thành phố. Ngoài ra do giá trị nhà đất đã tăng rất nhiều so với 10 năm về trước nên TP cũng phải có lợi về kinh tế trong quá trình thực hiện cải tạo này. Thành phố nên rà soát và thông báo minh bạch, cụ thể đối với những chung cư không được phép sử dụng cho người dân ít nhất trước 2 năm. Kể từ ngày hết hạn sử dụng thành phố sẽ cắt hết các loại hình dịch vụ như điện, nước, TV, internet….Ngoài ra thành phố nên hỗ trợ người dân về pháp lí trong quá trình thoả thuận giữa người dân và những nhà đầu tư xây mới. Chủ đầu tư chỉ được xây dựng theo quy hoach đã định của thành phố.

Ví dụ, trong một khu có 5 dãy nhà tập thể với tổng cộng là 1000 căn hộ tương đương 300.000 m2 thì khi xây mới có thể điều chỉnh xây mới toàn khu với 3 toà nhà cao tầng (ví dụ 9 tầng), về diện tích ở cũng chỉ được phép tương đương hoặc ít hơn so với diện tích nhà ở cũ. Như vậy sẽ tăng được diện tích công cộng cho cây xanh, bãi đỗ xe, đường…

Làm như vậy sẽ đảm bảo được vấn đề quy hoạch và phát triển nói chung. Còn đối với người dân, để được tái định cư trên diện tích cũ thì họ phải đóng tiền XD cho chủ đầu tư. Những trường hợp nào không có đủ tiền đóng cho ngôi nhà mới thì sẽ phải thanh lí nó để nhận tiền bồi thường và tìm nơi ở mới phù hợp với khả năng tài chính của mình.

Thành phố có thể có những chương trình hỗ trợ cho những trường hợp thiếu tiền để tái định cư bằng cách vay thế chấp ngân hàng hoặc xây dựng những khu tái định cư ở vùng ngoại ô cho những hộ có nhu cầu và bán đấu giá những cân hộ thu hồi cho những người khác. Tất cả mọi vấn đề cần được đưa vào quy định chung của thành phố và khi người dân làm trái với quy định thì sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nguồn : VnMedia
THAM GIA Ý KIẾN VỀ BÀI VIẾT TRÊN  
  Họ và Tên:*

  Email:*
  Tiêu đề :*

  Ý kiến của bạn