Giá mà li dị được nhà chồng

Đầu tiên là bố chồng.

Liên tục “một tấc đến giời”, có lần ông ba hoa với hàng xóm: “Cho chúng nó trăm triệu mua chỗ nào thì mua, chỗ đất đẹp thì thêm tiền vào”. Thực tế thì thậm chí ông còn không vay hộ cho đến một nghìn lẻ chứ đừng nói đến cho ngần ấy. Nghe mà giận tím ruột, người đâu nói không thành có.

Đã thế ông còn gia trưởng. Hai vợ chồng tôi đã thống nhất đặt tên cho con khá ý nghĩa, lại không bị trùng với ai trong họ, vậy mà đùng cái ông nhất quyết phải đặt theo tên ca sỹ ông mến mộ bấy lâu, ông còn chìa ra hai cái tên khác và nói “đứa sau nhà chúng tôi cũng đã có tên rồi, con trai thì tên này, con gái tên này, trừ khi ông chết đi thì hai vợ chồng được đặt tên khác”. Nghe mà muốn nổi khùng.

Chồng tôi cũng bực nhưng do quen với tính của ông nên không dám phản kháng, chỉ động viên vợ: “Thôi đứa đầu thì chiều ông, đứa sau mình tính”. Mẹ đẻ tôi thì khuyên: “Đừng vì chuyện nhỏ mà hỏng việc lớn, con mình nhưng là cháu ông bà, vì con mà nhẫn nhịn đi nhỡ chỉ vì cái tên mà ông bà ghét bỏ nó thì có tội nghiệp và thiệt thòi cho nó không?”.

Tôi đành ấm ức chịu thua.

Ông gia trưởng có tiếng ở cái làng này. Trời mưa quần áo sắp khô mà nhà không có ai ông cũng mặc, đó là việc của đàn bà. Bữa ăn các gia vị phải đủ, không nhanh chân lấy, khi ông nhắc nhở coi chừng ông hất cả mâm cơm đi, mất ăn.

Hôm bà nhờ ông rót ấm nước đang réo ầm ầm, ông quát: “Ở nhà có mỗi việc nội trợ, phục vụ chồng con mà cũng không xong, ra mà làm”, vậy là bà vẫn phải một tay bế cháu một tay rót nước (do tôi đang dở tay cho gà ăn ngoài vườn).

Rồi đến mẹ chồng.

Tôi vừa về làm dâu bà giảng cho tôi về bổn phận làm vợ không được lên lớp chồng, không được sưng xỉa với chồng, chồng có sai thì đó cũng là chồng mình. Bổn phận làm con dâu không được làm trái ý mẹ chồng, mẹ nói phải nghe vì mẹ là người đi trước, chỉ nói đúng trở lên thôi.

Bà luôn muốn con trai mình uống nhiều rượu để còn biết ngoại giao, vì theo quan điểm của ông bà: “Thằng đàn ông mà không uống được rượu thì chả làm được cái đếch gì nên hồn đâu”.

Hôm về quê khao thọ ông trẻ, thấy tôi tỏ vẻ lo lắng và không vui, khuyên chồng uống ít thôi còn đi đường xa, bà bảo: “Mày làm thế khác gì giẫm vào mặt tao, bao năm qua bố nó uống rượu triền miên tao có dám ngăn cấm đâu”.

Lại được cả ông anh chồng.

Anh chồng giống bố như đúc, lúc nào cũng dở ông dở thằng, “tao là trưởng, tao có quyền huynh thế phụ”. Được cái chỉ bảo và sai phái gia trưởng là giỏi, ngoài ba mươi vẫn để mẹ phục vụ, hầu hạ từng tí.

Làm xây dựng được ít tiền thì đi gái gú, rượu chè hết, về tiếp tục bám vào hai cái thân già. Thi thoảng anh trưởng gọi điện cho em trai: “Bắn cho tao ít đạn” mặc cho hai em đang còng lưng bươn chải, nợ mua đất đang ngập đầu, còn nuôi con nhỏ…

Và còn rất nhiều chuyện liên quan đến nhà chồng mà chẳng buồn nhớ và đếm nữa. Vì tôi tự vấn, tự trách mình, có phải tự nhiên mà chồng mình lớn khôn đến thế để “rơi” vào tay mình đâu. Dù gì đó cũng là một phần máu thịt của chồng, của con mình.

Tôi luôn thầm cảm ơn ông trời ban cho mình người chồng chịu thương chịu khó, biết nghĩ cho vợ con nhưng rồi lại thở dài ngao ngán khi nghĩ đến người nhà chồng, rùng mình khi tiếp tục phải chịu đựng những con người ấy, từ giờ cho đến mãi về sau. Có lần còn thầm ước, giá mà ly dị được nhà chồng?

Nguồn : Dân trí
THAM GIA Ý KIẾN VỀ BÀI VIẾT TRÊN  
  Họ và Tên:*

  Email:*
  Tiêu đề :*

  Ý kiến của bạn